Nuôi cá nước ngọt ở Đắk Nông

Trung tâm Khuyến nông, Khuyến lâm tỉnh Đắk Nông thử nghiệm nuôi cá diêu hồng tại xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong và xã Đắk R'Tíh, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông). Sau một thời gian thực hiện, mô hình cho kết quả tốt, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nuôi loại cá nước ngọt cho thu lãi cao, mở ra hướng phát triển kinh tế thủy sản đầy triển vọng.

Đắk R'Tíh là xã có đông bà con dân tộc M'nông sinh sống. Đời sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào trồng cà phê, điều và lúa nước nên cuộc sống của người dân rất khó khăn. Với chương trình nuôi cá nước ngọt sẽ góp phần phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao, xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân nơi đây.

Mô hình nuôi cá nước ngọt khá thành công.



Ông Nguyễn Kim Thành, cán bộ Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh Đắk Nông cho biết: "Nhằm hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhất là hộ nghèo và có chủ hộ là nữ, trung tâm đã triển khai mô hình nuôi cá diêu hồng ở 2 xã Quảng Khê và Đắk R'Tíh, mỗi xã 30 ha, với 120 hộ tham gia, được hỗ trợ 1.500 con cá diêu hồng cho mỗi hộ. Đây là chương trình hỗ trợ đồng bào từ khâu kỹ thuật, con giống đến thức ăn nhằm giúp cho bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân".

Ông Nguyễn Thành Tuân, Chủ tịch UBND xã Đắk R'Tíh cho biết, Đắk R'Tíh lợi thế có trên 13 ha diện tích mặt nước, tuy nhiên bà con trong các thôn buôn chỉ có một số hộ biết tận dụng để nuôi cá nhưng với hình thức nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu cải thiện thức ăn trong gia đình, không có kỹ thuật, hiệu quả thấp. Các hộ còn lại chỉ sử dụng ao với mục đích để lấy nước tưới cho cà phê. Là xã chiếm phần đông đồng bào M'nông nên mô hình điểm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc không chỉ tăng thu nhập, mà bà con có thể áp dụng cho việc nuôi giống cá khác. Khi thấy có hiệu quả bà con sẽ nhân rộng góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả hơn.

Sản xuất và cung ứng cá giống có thể đem lại nguồn thu lớn cho các hộ dân. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN



Gia đình chị B'rê ông Điểu Lộc ở buôn M'rê xã Đắk R'Tíh chia sẻ "Được Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư, tạo điều kiện cho gia đình hỗ trợ về kỹ thuật, con giống, thức ăn. Cá lớn rất nhanh lớn và dễ nuôi, tăng thêm thu nhập, phát triển đa cây, đa con. Theo ông Điểu Lộc, do chưa có kỹ thuật nên đồng bào nơi đây chủ yếu trồng cà phê, nuôi thêm vài con gà, con vịt, con heo để cải thiện bữa ăn chứ chưa nghĩ đến việc làm giàu từ chính những vật nuôi nên sau mô hình này, có kỹ thuật rồi gia đình ông sẽ mở rộng diện tích nuôi thêm nhiều cá, nuôi thêm heo để làm mô hình vườn - ao - chuồng, tận dụng các phụ phẩm trong chăn nuôi cho ao cá và cây trồng".


Ông Điểu Đá, cô Thị Byronh ở buôn Jarú, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long cho biết: "Gia đình tôi nuôi cá được hơn 3 năm rồi nhưng chủ yếu để ăn thôi chứ không biết buôn bán gì, lâu lâu có bà con trong bon đến mua thì cũng bán vài cân. Vì mình chủ yếu trồng cà phê nên đào ao để lấy nước tưới thôi. Nên mình cũng nuôi một ít cá mè, cá trắm cỏ chủ yếu cho ăn mấy loại cây trong vườn chứ người dân tộc nhà mình ít học hỏi, cứ nuôi vậy thôi. Nhưng giờ được sự hỗ trợ tận tình của cán bộ Khuyến nông, Khuyến ngư hỗ trợ các khâu, từ cách chăm sóc và cho ăn để cá đảm bảo vừa lớn lại vừa ngon… Thấy cá lớn nhanh, không bệnh tật, thương lái ngoài chợ đã đến tận nhà đặt hàng với giá 35 nghìn/kg. Năm nay mỗi gia đình thu lãi hơn 50 triệu đồng từ nuôi cá nước ngọt. Mình vui lắm! Cảm ơn nhà nước, cảm ơn mấy anh chị bên Trung tâm. Giờ đã biết kỹ thuật mình sẽ giúp bà con trong bon làng cùng nuôi cá, cùng nhau xóa đói giảm nghèo".

Theo Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh Đắk Nông, cá diêu hồng rất thích nghi với điều kiện ở địa phương. So với các loài khác, cá diêu hồng có nhiều ưu điểm nổi trội như ít bị nhiễm các loại bệnh thường gặp, tốc độ tăng trưởng nhanh, dễ nuôi, thịt thơm ngon, ít xương. Hầu hết các hộ dân sau khi kết thúc mô hình đều mong muốn tiếp tục duy trì và mở rộng hơn nữa mô hình nuôi cá này. Sắp tới, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh Đắk Nông tiếp tục đầu tư, nhân rộng mô hình và chuyển giao kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho khoảng 200 hộ là bà con dân tộc thiểu số sống ven hồ thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 ở huyện Đắk Glong; phát triển nuôi cá nước ngọt cho bà con dân tộc M’nông ở trên hồ thủy điện Buôn Tuasa, huyện K Rông Nô…

Lang Hường
Người nghèo Điện Biên vẫn lợp nhà bằng fibroximang
Người nghèo Điện Biên vẫn lợp nhà bằng fibroximang

Trong khi người dân các thành phố đã không còn sử dụng tấm lợp fibroximang có chứa chất độc hại amiang trong xây dựng, thì tại nông thôn và nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại tấm lợp này vẫn tồn tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN