Nóng chuyện sáp nhập ngân hàng

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, vấn đề thu hút được sự chú ý nhất của dư luận là chuyện sáp nhập, hợp nhất của các ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dự kiến trong năm nay sẽ có 6 - 7 ngân hàng thương mại (NHTM) tiến hành sáp nhập, hợp nhất.


Nhiều ngân hàng muốn sáp nhập


Mở đầu cho mùa cao điểm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng năm nay là sự kiện Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tính chuyện sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Tiếp đó, dư luận lại đón nhận thông tin về khả năng Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) sẽ sáp nhập Ngân hàng Mê Kông (MDB).

Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) khả năng cũng sẽ sáp nhập Ngân hàng Mê Kông (MDB).


 

Khả năng sáp nhập vào một tổ chức tín dụng khác cũng được đặt ra với Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank). Nội dung này được ghi trong tờ trình chuẩn bị cho ĐHCĐ năm nay của ngân hàng này. Đối tác cụ thể mà Viet Capital Bank hướng tới hiện vẫn chưa được tiết lộ. Tương tự, Ngân hàng Việt Á (VietABank) cũng đã có tờ trình cho ĐHCĐ xin ủy quyền cho hội đồng quản trị (HĐQT) chủ động nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn, đàm phán và đề xuất phương án sáp nhập với tổ chức tín dụng khác.


Còn Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank), tuy không nêu nội dung trong chương trình ĐHCĐ thường niên 2014 vừa tổ chức ngày 29/4, song bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT SeaBank đã nêu ý định tìm một ngân hàng thương mại khác để sáp nhập để mở rộng quy mô của SeaBank. SeaBank muốn tìm kiếm một ngân hàng có trụ sở ở khu vực phía Nam, thị trường tiềm năng mà SeaBank muốn tập trung mở rộng trong thời gian tới. Tại khu vực này, hiện SeaBank đã có các chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và đang có kế hoạch mở thêm tại Cà Mau.


Ngoài những ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)… cũng đang tính đến hướng sáp nhập hoặc hợp nhất. Ông Nghiêm Xuân Thành - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết tại ĐHCĐ vừa qua các cổ đông đã nhận thức rằng việc sáp nhập là cần thiết đối với quá trình phát triển của ngân hàng. Theo đó, ngân hàng sẽ nghiên cứu và sẵn sàng tham gia tái cơ cấu, sắp xếp lại các NHTMCP theo chủ trương của Chính phủ.


Giảm sở hữu chéo


So với làn sóng mua bán, sáp nhập trước đây, xu hướng sáp nhập ngân hàng năm nay có nhiều điểm mới. Điểm mới thứ nhất là sáp nhập ngân hàng để giải quyết tình trạng sở hữu chéo. Cụ thể, với việc Sacombank sáp nhập Southerbank, ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank đã "quy về một mối" sở hữu của mình tại hai ngân hàng này. Hiện ông Trầm Bê và những người liên quan đang nắm 6,78% vốn điều lệ của Sacombank và hơn 20% vốn điều lệ tại Southerbank.


Tương tự, sáp nhập MDB vào Maritime Bank cũng giúp hai tổ chức này gỡ được mối quan hệ chằng chịt, phức tạp về sở hữu chéo. Cụ thể, Maritime Bank đang nắm 10,16% vốn MDB, chưa kể khoản đầu tư ủy thác thông qua Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Tín Phát - TPF (khoảng 282 tỷ đồng). Trong khi đó, MDB đã mua 300 tỷ đồng trái phiếu của một công ty thành viên Tập đoàn Phát triển Việt Nam (V.I.D Group) - tập đoàn có mối quan hệ mật thiết với lãnh đạo Maritime Bank và nắm giữ 325 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Maritime Bank.


Điểm mới thứ hai là có sự tham gia của những "ông lớn" ngân hàng quốc doanh như VietinBank, Vietcombank. Điểm mới thứ ba là xuất hiện mô hình sáp nhập chưa từng có. Cụ thể, trong tờ trình gửi cổ đông ngày 11/4, PGBank đã trình phương án sáp nhập ngân hàng này vào VietinBank theo mô hình "ngân hàng trong ngân hàng". Dù phương án cụ thể này đã nhanh chóng bị PGBank rút lại, song ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT PGBank khẳng định không loại trừ phương án này sẽ diễn ra.


Theo phân tích của TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), không loại trừ mô hình trên mở đường cho một xu hướng sáp nhập ngân hàng mới: sáp nhập, sau đó bán đi. Tuy nhiên, kịch tính của chuyện sáp nhập này vẫn còn ở phía trước, khi con số ngân hàng sáp nhập chưa dừng lại. Theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ giảm từ 39 xuống khoảng 15 ngân hàng. Đây cũng là cơ sở để tiến tới tự do hóa thị trường tài chính và tự do hóa các dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập quốc tế đến năm 2020.


Vì thế, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cùng với việc đẩy mạnh sáp nhập, ngành ngân hàng phải nhanh chóng dứt điểm xử lý nợ xấu, nếu để khoảng thời gian từ 3 - 5 năm là quá dài. Chẳng hạn, với ngân hàng có vốn vài ngàn tỉ đồng thì chỉ cần vướng vài khoản nợ xấu lớn thì rất nguy hiểm.

 

Bài và ảnh: Hải Yên

Đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng
Đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011- 2015, nhiều ngân hàng nhỏ sẽ phải sáp nhập với những ngân hàng lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN