Ninh Thuận tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển

Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với diện tích tự nhiên 3.358 km2, chiều dài bờ biển hơn 105 km, vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2.

Điểm khác biệt so với các tỉnh, thành ven biển đó là Ninh Thuận có vùng biển nước trồi, là một trong những ngư trường lớn của cả nước nên việc phát triển kinh tế biển và vùng ven biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Nhiều điểm sáng về kinh tế biển

Chú thích ảnh
Ngư dân ở Ninh Thuận đầu tư phát triển mạnh tàu cá công suất lớn để vươn khơi đánh bắt hải sản xa bờ. 

Với tiềm năng, lợi thế từ biển, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã ưu tiên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về kết cấu hạ tầng vùng ven biển và các lĩnh vực văn hoá - xã hội khu vực ven biển. Song song với đó là thực hiện tốt quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, đảo, đảm bảo phục vụ có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng ven biển.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, với sự quan tâm đầu tư trên, những năm qua, kinh tế biển có những chuyển biến quan trọng, tốc độ tăng trưởng khá, 5 năm gần đây đạt 18,6%/năm. Một số công trình, dự án quy mô lớn, mang tính động lực được xúc tiến triển khai, đặc biệt là đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển dài trên 105 km, góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế của biển và vùng ven biển.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, để khai thác lợi thế từ biển, ngành thủy sản đã từng bước tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, chuyển dịch theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản tăng nhanh, tăng trưởng bình quân 9,4%/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến.

Ninh Thuận hiện có gần 500 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản đang hoạt động với tổng công suất bể ươn hơn 144.000 m3, sản lượng tôm giống đạt 39.371 triệu con. Chủ trương xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước đạt kết quả tích cực, hằng năm cung cấp trên 30% tổng nhu cầu tôm giống cả nước; đồng thời đã xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”.

Thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão và khu nuôi trồng thủy sản được tỉnh đầu tư, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, có khả năng tiếp nhận khoảng 3.200 tàu cá các loại, đáp ứng tốt nhu cầu neo đậu, tránh trú bão; bảo đảm hơn 21.000 lượt tàu thuyền cập cảng; trên 21.000 tấn hàng hóa qua cảng.

Về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo tại vùng ven biển của tỉnh, ông Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đã thu hút nhiều dự án tầm cỡ như cảng biển tổng hợp Cà Cá; khu công nghiệp Cà Ná; trung tâm điện khí LNG Cà Ná… Đến thời điểm này, trên địa bàn các huyện ven biển của tỉnh có 38 dự án năng lượng tái tạo, với tổng công suất trên 2.585 MW, vận hành thương mại phát điện trên 5,6 tỷ kWh, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế biển; đồng thời tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành đưa vào quy hoạch quốc gia các lĩnh vực có lợi thế mới như điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi, cảng cạn và trung tâm logistics, tổng kho xăng dầu, công nghiệp chế biến hóa chất từ muối...

Ninh Thuận cũng là điểm đến đặc biệt về du lịch biển, dịch vụ biển. Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, những năm gần đây, du lịch biển của tỉnh đã có bước phát triển rõ nét, lượng du khách đến tỉnh hàng năm từ 1,7 - 2,1 triệu lượt người và năm 2022 là 2,4 triệu lượt. Toàn tỉnh hiện có trên 183 cơ sở lưu trú, với 4.121 phòng kinh doanh phục vụ du lịch. Tỉnh đang xây dựng quy hoạch khu du lịch quốc gia Ninh Chữ; ban hành cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao gắn với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu quy hoạch du lịch.

Đến nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho trên 58 dự án du lịch với tổng số vốn trên 51.800 tỷ đồng, có 24 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn 4.610 tỷ đồng, chiếm 41,4% tổng số dự án. Một số dự án du lịch biển quy mô lớn đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ như dự án tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí thể thao biển Ecopark; khu du lịch Bình Tiên; sân golf Nara Bình Tiên; Sunbay Park Hotel & Resort,...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho trên 55 dự án công nghiệp biển với tổng vốn đăng ký trên 8.218 tỷ đồng. Đến nay đã có 35 dự án hoàn thành đi vào hoạt động như nhà máy chế biến tôm xuất khẩu công suất 8.000 tấn/năm; dự án sản xuất và xuất khẩu muối Quán Thẻ có quy mô 2.510 ha, sản lượng 500 nghìn tấn/năm; dự án sản xuất chế biến muối cao cấp và muối i-ốt có quy mô 200 nghìn tấn/năm; nhà máy chế biến rong sụn công suất 3.000 tấn/năm; nhà máy chế biến nước mắm CaNa năng suất 3 triệu lít/năm; nhà máy chế biến các sản phẩm măng tây, nha đam, chế biến muối tinh...

Tỉnh Ninh Thuận cũng tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, nhất là phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu công nghiệp Cà Ná, cảng tổng hợp Cà Ná gắn với các dự án trọng điểm của tỉnh như nhà máy điện khí LNG; cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics; nhà máy chế biến hóa chất từ muối; tổng kho xăng dầu; công nghiệp hỗ trợ năng lượng tái tạo...

Đến nay, cảng biển Cà Ná đã hoàn thành 1 bến tiếp nhận tàu 100.000 tấn, đưa vào khai thác trong quý III/2022; triển khai tuyến đường giao thông kết nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển Cà Ná; lập đề án phát triển trung tâm cảng cạn, dịch vụ logistics phục vụ hàng hóa qua cảng biển Cà Ná.

Để kinh tế biển là động lực

Chú thích ảnh
Nhiều lĩnh vực về công nghiệp phụ trợ đang được đầu tư tại cảng tổng hợp Cà Ná, xã Cà Ná (Thuận Nam, Ninh Thuận). 

Định hướng phát triển kinh tế biển và vùng ven biển được tỉnh Ninh Thuận xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Kinh tế biển là động lực” và “tiếp tục phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; xây dựng Ninh Thuận là một trong những địa phương mạnh về biển; phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.

Đồng thời, để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nghị quyết cũng như kế hoạch triển khai. Theo đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu cụ thể theo lộ trình, phấn đấu là một trong những tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển của khu vực.

Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, để kinh tế biển trở thành động lực, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư một cách bài bản, khoa học, mang lại hiệu quả cao nhất. Qua đó để đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt từ 15 - 16%/năm; huy động tổng vốn đầu tư cho kinh tế biển khoảng từ 61 - 62 nghìn tỷ đồng; vốn các thành phần kinh tế và dân cư chiếm khoảng 94 - 95%; đồng thời phấn đấu đưa kinh tế biển chiếm từ 41 - 42% tổng sản phẩm nội tỉnh.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển, tỉnh Ninh Thuận đã và đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển kinh tế biển và mối quan hệ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng - an ninh và chủ quyền của đất nước trong tình hình mới.

Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt các quy hoạch như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch ngành, lĩnh vực… Qua đó để khai thác tối đa lợi thế ở các lĩnh vực; trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp và các đô thị ven biển.

Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện nhanh việc chuyển đổi số vào các ngành kinh tế biển, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế biển; chú trọng mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, đảm bảo quốc phòng - an ninh; giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển, nâng cao đời sống, tinh thần người dân vùng biển.

Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)
Dự báo biển góp phần phát triển kinh tế biển
Dự báo biển góp phần phát triển kinh tế biển

Khu vực biển và ven biển với tài nguyên thiên nhiên trù phú hiện đang mang lại sinh kế cho nhiều người dân trong cả nước. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, nơi đây thường xuyên hứng chịu những khắc nghiệt của thiên tai cực đoan như: Bão, nước biển dâng, triều cường, sóng lớn, xâm nhập mặn… với diễn biến ngày càng phức tạp và dị thường, đồng thời rủi ro do các loại hình thiên tai kể trên được cảnh báo sẽ có nguy cơ gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa, yêu cầu về phát triển kinh tế và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN