Cả hệ thống chính trị được huy động cùng vào cuộc, đồng lòng xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa. Vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng được phát huy ở mức cao nhất dựa trên nguyên tắc “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, việc phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần đưa bộ mặt nông thôn phát triển đồng bộ và toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Trên tinh thần đó, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), ít nhất 38/47 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (trong đó ít nhất 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu), không còn số xã đạt dưới 15 tiêu chí.
Tỉnh phấn đấu duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí các huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo mức độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, không để bị thu hồi danh hiệu đạt chuẩn theo quy định.
Để đạt mục tiêu đặt ra, tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đặt quyết tâm chính trị cao nhất để tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, tỉnh xây dựng, ban hành chính sách thực hiện chương trình sát thực tiễn địa phương; đồng thời xây dựng chính sách và giải pháp hỗ trợ các thôn ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa xây dựng nông thôn mới.
Theo Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận, dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là khoảng 4.165 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 500 tỷ đồng, ngân sách địa phương 500 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác khoảng 1.250 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 1.000 tỷ đồng và nguồn vốn huy động khác trên 800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh, khó khăn lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới hiện nay là nguồn vốn đầu tư. Để có nguồn lực đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân cùng đồng lòng, chung tay thực hiện; huy động tối đa nguồn lực đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm.
Ninh Thuận thực hiện xã hội hóa, thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết ở vùng nông thôn và miền núi.
Trong giai đoạn 2016-2020, Ninh Thuận huy động được trên 2.800 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 29/47 xã (chiếm 61,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 huyện, thành phố hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.
Diện mạo nông thôn ở các địa phương trong tỉnh đã và đang có bước khởi sắc rõ nét. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt. 100% khu dân cư vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt từ các hệ thống cấp nước tập trung; gần 250 km đường nông thôn được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới; hệ thống lưới điện được cung cấp đến tất cả các thôn. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, xã, chợ, bưu điện... đã đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân về phát triển kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, văn hóa văn nghệ, thông tin liên lạc…
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng 3,5 lần so với năm 2011 (năm 2011 là 11,96 triệu đồng/người, năm 2021 là 41,9 triệu đồng/người).