Đây là nhà máy được thiết kế và xây dựng bởi chính những kỹ sư, người thợ Việt Nam; được hòa vào lưới điện quốc gia đầu tiên so với các dự án điện mặt trời khác.
Nhà máy điện năng lượng mặt trời BP Solar 1 được khởi công vào tháng 6/2018 trên diện tích hơn 62 ha, do Công ty Cổ phần BP Solar làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư của dự án 1.315 tỷ đồng, bao gồm cả phần đường dây và trạm cắt 110 KV Ninh Phước. Công suất của nhà máy điện năng lượng mặt trời BP Solar 1 là 64 MWp, sản lượng điện dự kiến 74,45 triệu KWh/năm.
Ông Mai Trọng Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Công ty Cổ phần BP Solar cho biết, được Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ, Công ty xác định được tầm quan trọng của dự án nên đã quyết tâm và đặt mục tiêu sớm hoàn thành, đưa nhà máy điện vào khai thác sử dụng sớm hơn tiến độ dự kiến.
Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 sử dụng công nghệ pin quang điện Perc Mono 370 W, inverter trung tâm có nguồn gốc nhập từ châu Âu. Cùng với việc xây dựng nhà máy điện mặt trời, Công ty Cổ phần BP Solar đã xây dựng 1 trạm biến áp, nâng áp 22/110 KV, công suất 1x45 MVA đạt tại khu vực nhà máy.
Bên cạnh đó Công ty cũng xây dựng đường dây 110 KV, chiều dài 7,4 km với 30 cột thép từ trạm nâng áp của nhà máy đấu nối vào đường dây 110 KV hiện hữu; đồng thời xây dựng trạm cắt 110 KV Ninh Phước để đấu nối trung gian và gom các nhà máy lân cận. Theo đó, trạm cắt 110 KV Ninh Phước sẽ được phát triển thành trạm 220 KV Ninh Phước sau này.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhà máy điện năng lượng mặt trời BP Solar 1 được khởi công và hoàn thành sớm hơn dự kiến, điều đó thể hiện rõ năng lực, kinh nghiệm và sự quyết tâm của chủ đầu tư đối với dự án. UBND tỉnh mong muốn các dự án điện mặt trời của các nhà đầu tư khác đang triển khai thi công, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, nhanh chóng hoàn thành để hòa vào lưới điện quốc gia như nhà máy điện năng lượng mặt trời BP Solar 1. Qua đó sớm Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng muốn các nhà đầu tư tạo thuận lợi để giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương vùng dự án; đồng thời quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân vùng dự án.
Đến nay, Ninh Thuận đã có 25 dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Theo quy hoạch đến năm 2030, Ninh Thuận sẽ thu hút đầu tư phát triển dự án năng lượng điện mặt trời, với tổng công suất 3.912 MW.