Niềm tin khơi thông thủy lộ

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, vận tải đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đầy tiềm năng, nhưng vẫn chỉ là những dòng chảy không tải, ít lợi nhuận, chưa được khơi thông. Do đó, ngành sẽ mạnh tay, quyết liệt dẹp bỏ những rào cản, không để thủy lộ mênh mông, mà hàng hóa thì vẫn quá tải trên đường bộ.

Dẹp bỏ rào chắn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu thực tế, vận tải ĐTNĐ hiện là tuyến vận tải thế mạnh quốc gia, tuy “mênh mông” nhưng rất “yếu ớt”, chưa xứng với tiềm năng, trong khi đường bộ thì ngày càng quá tải. Điều này do nhiều “rào cản” làm cản trở sự phát triển của vận tải ĐTNĐ, cần phải tháo gỡ ngay.

Cầu Bình Lợi qua sông Sài Gòn đang được đầu tư xây mới để nâng cao khoang tĩnh không thông thuyền trên tuyến.

Cụ thể, suốt dọc các trục vận tải thủy nội địa hiện nay còn quá nhiều những cây cầu cũ có khoang tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp như: Cầu Đuống qua sông Đuống, cầu Mang Thít qua sông Hậu, cầu Bình Lợi qua sông Sài Gòn… Đây chính là những nút thắt, điểm nghẽn trên các hành lang vận tải thủy chính, khiến tàu thuyền trọng tải lớn khó lưu thông, gây tắc nghẽn hạ tầng đường thủy và hàng hóa vận chuyển từ cảng đến cảng, kho bãi để kết nối với đường bộ.

Bên cạnh đó, những rào cản về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính chồng chéo, dịch vụ công phức tạp, hệ thống phao tiêu, biển báo, dẫn luồng đường thủy lạc hậu… tại các địa phương đang gây phiền hà, chưa khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp và người dân tham gia vận tải hàng hóa.

Khắc phục những bất cập này, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết: Từ năm 2017 đến nay, hầu hết các phao dẫn luồng, báo hiệu đường thủy trên luồng ĐTNĐ quốc gia đã được đầu tư đồng bộ gắn định vị vệ tinh, dùng năng lượng mặt trời. Cục ĐTNĐ đã chính thức áp dụng hình thức quản lý từ xa hệ thống hạ tầng, thu thập dữ liệu vận tải. Nhờ vậy, các bộ phận chức năng của cục, chi cục chỉ cần theo dõi qua máy tính là nắm bắt được phao dẫn luồng, đèn tín hiệu bị hỏng, thay vì phải đi kiểm tra thủ công như trước…

Hiện nay, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã cấp phép cho phương tiện thủy từ xa qua tin nhắn điện thoại, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí so với phương thức thủ công. Đến thời điểm này, tàu thuyền ra vào các bến, cảng thủy nội địa đều đăng ký làm thủ tục qua tin nhắn.

Tương tự, việc thí điểm lưu toàn bộ hồ sơ và chỉ cấp phép một lần cho tàu du lịch khi rời, vào cảng bến đang được áp dụng tại hầu hết các tỉnh như: Cần Thơ, Hòa Bình, Bắc Kạn, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh… đã giúp giảm chi phí cho hàng chục nghìn phương tiện, được doanh nghiệp tích cực hưởng ứng. Việc cấp phép này đang được Cục ĐTNĐ Việt Nam mở rộng triển khai đối với cả tàu thuyền chở hàng hóa.

Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đang ưu tiên phát triển vận tải trục hành lang số 1 (Việt Trì - Quảng Ninh) ở phía Bắc và trục số 2 (TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - biên giới Campuchia) ở phía Nam theo phương châm thuận lợi nhất về hạ tầng, cơ chế để tạo đột phá vận tải”. Trong đó, sẽ tối ưu hóa hạ tầng để phục vụ vận tải (tăng phao dẫn luồng, ứng dụng công nghệ thông báo luồng thực tế, lắp radar cảnh báo điểm đen...), chuẩn hóa cảng, bến và tạo kết nối thuận tiện với vận tải đường bộ, tạo liên kết trung chuyển hàng hóa…

Đường thủy sẽ giảm tải “cứu” đường bộ

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Năm năm trước được ví là “thời của đường bộ”, với hàng loạt công trình được cấp vốn đầu tư, nhưng nay một số tuyến đã có dấu hiệu quá tải. Trong khi thủy lộ mênh mông, tiềm năng được ví như những “túi tiền” trên mặt nước, thì ít được quan tâm phát triển. Nếu khắc phục được vấn đề hạ tầng bến cảng, bến bãi, đường kết nối… thì đường thủy sẽ giảm tải lớn cho đường bộ. Ngoài ra, nếu kết hợp với vận tải ven biển, áp lực trên Quốc lộ 1 sẽ giảm trông thấy.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng đường thủy nội địa Long Bình (TP Hồ Chí Minh).

“Tới đây, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ hình thành gói tín dụng cho vay đóng phương tiện thuỷ nội địa để vận tải trên các sông, kênh rạch, và phát triển đội tàu sông pha biển, sau đó kết nối các cảng vận chuyển hàng hoá Bắc - Nam. Tôi tin khi chúng ta đã kéo được hàng hoá xuống đường thuỷ, thì trên bộ lập tức thay đổi mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

Bên cạnh đó, để phát triển vận tải ĐTNĐ bền vững, Bộ GTVT khuyến khích thành lập các tập đoàn vận tải thuỷ tư nhân, gồm nhiều doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có hàng chục phương tiện, thì một tập đoàn kiểu này có thể có tới ngàn con tàu. Lúc đó sức cạnh tranh sẽ lớn và tạo được hấp lực cho đường thủy.

Ngoài ra, để có sức bật hẳn lên, các doanh nghiệp logistics cần phải kết nối toàn diện các phương thức vận tải sắt - thủy - bộ cho tới hệ thống kho bãi, cẩu lắp... Vấn đề này nếu đồng bộ hơn, giá thành sẽ hạ xuống, đường thủy tự khắc sẽ đắt khách.

Tiến Hiếu - Huy Hùng/Báo Tin tức
Hiệu quả tuyến BOT đường thủy nội địa đầu tiên Bến Súc – Bình Lợi
Hiệu quả tuyến BOT đường thủy nội địa đầu tiên Bến Súc – Bình Lợi

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc (dự án BOT đường thủy nội địa đầu tiên) sẽ đưa vào khai thác cuối năm 2018. Dự kiến, sau khi hoàn thành sẽ tăng thị phần vận tải bằng đường sông, giảm tải cho đường bộ, với chi phí vận tải rẻ hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN