Nhượng quyền khai thác công trình cần sự minh bạch

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lập phương án chuyển nhượng quyền khai thác đối với các công trình hạ tầng giao thông. Dư luận cho rằng đây là hình thức bán quyền khai thác cho các nhà đầu tư tư nhân. Việc Bộ GTVT công khai, minh bạch hình thức chuyển nhượng sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.

Huy động vốn

Câu chuyện nhượng quyền khai thác các tuyến đường cao tốc đã “nóng” lên từ năm 2014, khi Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư 3 dự án cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây xây dựng các phương án để nhượng quyền khai thác và thu phí các công trình này.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang được Bộ GTVT xây dựng phương án nhượng quyền khai thác.



Song, phương án chuyển nhượng quyền khai thác các công trình giao thông của Bộ GTVT vừa mới khởi xướng, với hàng loạt các công trình trọng điểm quốc gia như: Nhà ga hành khách (T1, T1 mở rộng, Sảnh E, T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài), Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc… đều là những cái tên “hot” nằm trong danh sách chuyển nhượng quyền khai thác, mới thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư PPP (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy cho biết: Để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng hiện đại, ngành GTVT đang đẩy mạnh công tác thu hút vốn xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng, phương án nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông là kênh huy động vốn quan trọng.

Đơn cử như việc chuyển nhượng các cảng hàng không phải đảm bảo các nguyên tắc: Nhà nước quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vùng trời, đường hàng không, cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay, sở hữu đất đai, thông báo tin tức hàng không, tìm kiếm cứu nạn… Nhà đầu tư chỉ có trách nhiệm bảo đảm vận hành khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức kinh doanh, thực hiện kế hoạch đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đang quản lý phù hợp với quy hoạch của Nhà nước.

Đồng tình với chủ trương nhượng quyền khai thác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội) cho rằng: Với tình hình ngân sách hiện nay chỉ đáp ứng chưa được một nửa nhu cầu phát triển hạ tầng nói chung, nếu cứ trông chờ vào nguồn vốn nhà nước sẽ rất chậm, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khác. Việc tư nhân tham gia đầu tư hay sau này nhận chuyển nhượng lại để khai thác là một xu thế chung của thế giới và là điều bình thường.

Công khai, minh bạch

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, để nhượng quyền khai thác hạ tầng phát huy lợi ích đầu tư, tái đầu tư, các công trình nhượng quyền cần phải đấu giá công khai, minh bạch và phải đấu giá đa dạng chứ không để một, hai nhà đầu tư bắt tay nhau. Do đó, Bộ GTVT cần nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng các mức giá tham chiếu, vai trò của nhà đầu tư đến đâu và tính toán nhiều mục tiêu của công trình, để thống nhất mức giá phù hợp. Chuyển nhượng khai thác công trình khác với đất đai ở chỗ, đất đai chỉ bán một lần, còn công trình liên quan đến rất nhiều người và có nhiều biến động, phát sinh.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang được Bộ GTVT tính toán phương án chuyển nhượng quyền khai thác.



Trao đổi vấn đề này, Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh dẫn chứng: Ba dự án cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn. Vì vậy để hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước với thời gian chuyển nhượng 30 năm/dự án, phải công khai, minh bạch các tiêu chí như lưu lượng xe, mức phí, chi phí vận hành quản lý, thời gian trả nợ, lãi suất kỳ vọng của nhà đầu tư… trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

“Chuyển nhượng quyền khai thác không phải là bán công trình và nó cũng khác với hình thức kêu gọi đầu tư BOT. Đầu tư BOT là đầu tư rồi thu phí hoàn vốn. Còn nhượng quyền khai thác là khi Nhà nước có sản phẩm rồi thì nhượng quyền cho nhà đầu tư khai thác trong một thời gian nhất định, nhà đầu tư phải trả kinh phí, Nhà nước đã bỏ ra đầu tư công trình đó rồi thu phí hoàn vốn sau”. Vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư PPP - Bộ GTVT - Nguyễn Viết Huy

Hay đối với dự án BOT Nam Bến Thủy - Hà Tĩnh, theo Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 - Cienco4 - (nhà đầu tư) Nguyễn Tuấn Huỳnh, đơn vị đang xây dựng hai phương án cho dự án này. Hoặc là nhượng 49% quyền thu phí của dự án cho nhà đầu tư trong 16 năm; hoặc là thành lập công ty Cổ phần dự án Nam Bến Thủy - Hà Tĩnh, sau đó tiến hành bán cổ phần cho các nhà đầu tư với phương án Cienco 4 vẫn nắm giữ trên 50% cổ phần.

Các chuyên gia giao thông cũng cho rằng: Các công trình hạ tầng dưới sự sở hữu tư nhân sẽ hạn chế được những xung đột giữa nguồn lực, quyền lực và lợi ích, nhưng vẫn phải minh bạch để cạnh tranh và tránh độc quyền. Nhượng quyền khai thác công trình giao thông để tái đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng hiện nay là cách tiếp cận tốt và cần thiết trong điều kiện nợ công tăng cao như hiện nay. Do đó, cần xem xét nhân rộng.
Tiến Hiếu
Giao thông tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển
Giao thông tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển

Thời gian vận chuyển hàng hóa từ Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh sau khi Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) hoàn thành chỉ còn 2/3 thời gian so với trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN