Nhiều xe khách tuyến Thái Bình - Giáp Bát dừng hoạt động

Do các khoản chi phí tăng cao, đặc biệt là nạn xe dù, bến cóc, lấn nốt dẫn đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách ế ẩm, toàn bộ 14 xe tuyến Bến xe Thái Bình - Bến xe Giáp Bát của Công ty cổ phần xe khách Thái Bình đã nằm bãi, xin dừng hoạt động.

Các xe dừng hoạt động đỗ tại bến của Công ty cổ phần xe khách Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Công ty cổ phần xe khách Thái Bình hiện có trên 40 phương tiện vận tải hành khách từ Thái Bình đi thành phố Hà Nội và các tỉnh Sơn la, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái,….; trong đó, có 14 phương tiện vận tải hành khách loại từ 29 chỗ đến 46 chỗ đăng ký hoạt động trên tuyến Bến xe Thái Bình - Bến xe Giáp Bát (Hà Nội).

Theo quy định, Công ty giao xe và lái xe có trách nhiệm nộp cho Công ty theo mức khoán từ 250.000 đồng đến 420.000 đồng mỗi chuyến tùy theo từng loại xe. Với mức đóng đó, trung bình mỗi tháng lái xe phải nộp về cho Công ty khoảng 40 triệu đồng.

Thay vì nối chuyến nhau phục vụ vận tải hành khách, những ngày này toàn bộ xe của Công ty cổ phần xe khách Thái Bình xếp hàng dài nằm tại bãi.

Với gần 15 năm lái xe tại Công ty Cổ phần xe khách Thái Bình, anh Hoàng Văn Bắc cho biết, trung bình một tháng xe của anh chạy từ 92 đến 95 lượt tuyến Thái Bình - Giáp Bát và ngược lại với mức 420.000 đồng/lượt, tương ứng mức nộp cho Công ty khoảng 41 triệu đồng, chưa kể xăng dầu, hao mòn xe và các khoản chi phí khác. Với hiện tượng xe dù, nhất là loại xe 9 chỗ đón trả khách tại nhà phát triển từ cả hai đầu bến như hiện nay, khiến cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách truyền thống lao đao. Thông thường khi xuất bến tại Bến xe Thái Bình chỉ được 5 - 10 hành khách.

Cũng trong tình trạng tương tự, anh Phạm Hồng Thái, lái xe mang biển kiểm soát 17K-7315 Công ty cổ phần xe khách Thái Bình phải dừng hoạt động, làm đơn xin trả xe cho Công ty để cắt lỗ. Theo anh Thái, với mức khoán nộp cho Công ty 420.000 đồng/lượt, chi phí xăng dầu tăng cao, cộng với việc không có khách do lượng xe dù, lấn nốt ngày càng nhiều dẫn đến kinh doanh không có lãi, thu không đủ bù chi.

Để tránh rơi vào thua lỗ do kinh doanh vận tải hành khách ế ẩm, ngày 29/5, đồng loạt 14 lái xe của Công ty đang hoạt động trên tuyến Bến xe Thái Bình - Bến xe Giáp Bát đã có đơn xin dừng hoạt động, khiến hoạt động của Công ty này bị ngưng trệ.

Ông Bùi Duy Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần xe khách Thái Bình cho biết, sau khi tiếp nhận đơn trả xe, ngày 30/5, Công ty đã có thông báo về việc thu hồi xe. Theo đó, Công ty sẽ tiến hành đánh giá tình trạng kỹ thuật, xác định giá trị tài sản bàn giao để thu hồi xe và thanh toán đầy đủ các khoản thu theo quy chế. Sau khi thu hồi xe và thanh toán đầy đủ công nợ, số tiền các cá nhân thực hiện thế chấp theo hợp đồng sẽ được hoàn trả. Ngoài ra, Công ty sẽ thực hiện giao xe cho các cá nhân có nhu cầu tiếp tục hoạt động. Trong thời gian từ 3 - 5 ngày không có người nhận, Hội đồng quản trị sẽ điều động phương tiện và người lái theo thẩm quyền.


Theo ông Hoàn, trung bình mỗi ngày Công ty có 44 chuyến đi - về tuyến Bến xe Thái Bình - Bến xe Giáp Bát. Việc các xe đồng loạt nằm bãi đã ảnh hưởng đến việc vận tải hành khách nói chung và hoạt động của Công ty nói riêng. Thời gian qua, xuất hiện hiện tượng nhiều xe chạy tăng tần suất, không đúng biểu đồ, đặc biệt là các xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, xe không tem tuyến đón trả khách công khai dẫn đến tranh giành khách với các xe tuyến cố định. Đây là những biểu hiện của sự cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý vận tải và thất thu nguồn thuế của Nhà nước do các loại xe dù này không phải đóng bất kỳ khoản phí đầu bến nào.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình và đưa hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tuyến Bến xe Thái Bình - Bến xe Giáp Bát trở lại hoạt động, chiều 30/5 phía Công ty đã tổ chức họp và lắng nghe ý kiến của các chủ phương tiện vận tải. Tuy nhiên đến nay, hoạt động vẫn tiếp tục ngưng trệ, hiện tượng xe nằm tại bến tiếp tục tái diễn.

Đại diện Công ty Cổ phần xe khách Thái Bình cũng cho biết, đơn vị này đã có đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị tăng cường quản lý, lập lại trật tự trong quản lý vận tải, đảm bảo sự công bằng cho doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, xem xét việc quy định cấp tem tuyến cố định và tem hợp đồng, tránh việc tự ý tăng tần xuất chạy xe, chồng chéo, lấn nốt, tranh giành hành khách giữa các tuyến xe với nhau.

Thu Hoài (TTXVN)
Nhiều tuyến phố bị ùn tắc sau lệnh cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào 13 tuyến phố
Nhiều tuyến phố bị ùn tắc sau lệnh cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào 13 tuyến phố

Sau hơn một tuần Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tại 13 tuyến phố thì nhiều bất cập đã nảy sinh. Mục tiêu ban đầu được đưa ra là để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng xem ra tình trạng ùn tắc lại xảy ra ở những tuyến phố khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN