Tàu cá neo đậu tại cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động biển được lý giải là do lượng tàu thuyền phát triển quá nhiều. Nhiều thanh niên ở các làng biển chọn hướng đi xuất khẩu lao động, một số khác thì bỏ biển lên bờ tìm nghề mới. Trong khi đó, số lao động biển còn lại thì ngày càng già, không còn đủ sức tiếp tục bám trụ với nghề biển nên dẫn tới thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Ngoài ra, theo thỏa thuận của các chủ tàu và người lao động, thường thì sau mỗi chuyến biển, khoản tiền thu được trừ phí tổn, còn lại chủ tàu nhận 6 phần và 4 phần được chia cho bạn chài. Trong khi đó, nguồn hải sản ngày càng suy kiệt nên khoản thu nhập của bạn chài giảm đáng kể. Bên cạnh đó, hiện nay nhà nước đang hạn chế khai thác lưới kéo (giã cào) và khai thác hải sản gần bờ. Ngư dân Quảng Ngãi dần chuyển qua đóng mới các tàu có công suất lớn để khai thác thủy sản xa bờ nên cũng cần có lượng lao động lớn hơn so với trước đây.
Cũng có nhiều trường hợp, do thiếu thuyền viên nên nhiều chủ tàu phải nhận những người chưa từng đi biển. Thế nhưng, sau khi nhận tiền ứng trước thì họ bỏ trốn hoặc chuyển sang đi trên những tàu cá có khoản thu nhập cao hơn khiến nhiều chủ tàu điêu đứng.
Để giải quyết vấn đề lao động cho tàu, nhiều chủ tàu đã tăng tiền công và chiều chuộng đủ mọi cách nhưng cuối cùng phải nằm bờ vì không đủ lao động.
Ngư dân Lê Minh Vương ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi phải chịu cảnh thua lỗ vì không tìm đủ bạn để ra khơi. Anh Vương cho biết, năm 2017, do thiếu lao động trên tàu, anh phải vào tận các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên tìm bạn đi biển và bỏ ra số tiền trên 350 triệu đồng để ứng trước cho mỗi trường hợp cam kết đi bạn cho tàu cá của mình. Vậy nhưng, khi nhận tiền, nhiều trường hợp đã “quỵt” cả tiền ứng, có trường hợp đi được vài phiên thì nghỉ giữa chừng. Vậy là tàu cá của anh đã lỗ lại càng lỗ thêm. Hiện, tàu cá của ngư dân Vương phải nằm bờ do chưa tìm đủ lao động.
Không chỉ trường hợp ngư dân Vương mà hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi cũng đang trong tình cảnh tương tự. Nhiều tàu phải neo đậu suốt từ đầu năm đến giờ nên khó khăn chồng chất khó khăn.
Còn tại cảng biển Sa Huỳnh, mặc dù thời điểm này là vụ đánh bắt chính trong năm, nhưng hai tàu cá với tổng công suất 720 CV của anh Nguyễn Văn Khoa, ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ vẫn nằm bờ vì không có bạn chài. Trước tết, anh phải vay mượn hơn 200 triệu đồng để cho 9 thuyền viên ở một số tỉnh, thành miền Trung ứng trước với hy vọng họ sẽ cùng mình vươn khơi đánh bắt. Thế nhưng, sau tết thì họ không ra khơi như đã hứa trước đó. Anh dò hỏi và biết được một số thuyền viên cũng đã được ứng tiền của các chủ tàu khác rồi bỏ trốn. Giờ 2 chiếc tàu cá trị gần 2 tỷ đồng nằm bờ nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có trên 50% tàu cá đánh bắt xa bờ. Trong khi đó, toàn tỉnh có tổng số lao động trực tiếp tham gia sản xuất trên biển khoảng 38.000 người, chưa kể nhiều ngư dân đi biển cho các tàu cá ngoài tỉnh. Do vậy, định hướng giảm dần tàu đánh bắt gần bờ, hạn chế phát triển thêm tàu cá mới vẫn được xem là biện pháp cần thiết để Quảng Ngãi giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn lao động biển hiện nay.