Di Linh là địa phương cà phê chủ lực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Những ngày gần đây dù đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nhưng chỉ rải rác, lượng mưa nhỏ không đủ để giải tỏa cơn khát cho cây cà phê đang thời điểm ra hoa, kết trái. Đây là thời điểm quan trọng để cây nuôi dưỡng trái non, quyết định chất lượng cho vụ mùa cà phê mới.
Gia đình có vườn cà phê, vườn trồng ngô ở hai nơi khác nhau nên chị Tam Bou Hữu tại thôn Ka Ming, thị trấn Di Linh không khỏi thấp thỏm bởi mấy hôm nay dù có xuất hiện những trận mưa ngắn nhưng không đủ để giải hạn cho vườn cà phê. Chị Hữu cho hay, mấy hôm trước may có trận mưa giải hạn cho vườn bắp của gia đình nhưng vườn cà phê gần 1 ha ở xã Tam Bố vẫn bị nắng hạn. Vài hôm tới nếu trời không mưa chị phải tưới bổ sung nước cho vườn cà phê.
“Giá dầu lên cao nên tôi cũng chỉ tưới cầm cự chờ bước sang hẳn mùa mưa, đây cũng chỉ là đợt tưới đầu tiên, nếu nắng nóng còn kéo dài, người dân phải tưới thêm 2 - 3 đợt nữa mới thôi. Nếu tưới đẫm cho cây thì phải mất khoảng 100 lít dầu cho mỗi ha cà phê, tính ra chi sẽ mất một khoản chi phí không nhỏ đối với người nông dân”, chị Hữu cho biết.
Ông Nguyễn Tấn Tài ở xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng chia sẻ, mấy hôm nay liên tục phải dùng máy bơm nước, kéo dây tưới nước cho vườn cà phê hơn 1 ha của gia đình. Với diện tích cà phê trên, để tưới đủ nước cho đợt cà ra hoa lần cuối này, ông Tài nhẩm tính ít nhất cũng mất hơn 2 triệu đồng cho chi phí mua dầu, gần gấp đôi so với thời điểm năm 2021 do giá dầu tăng mạnh.
Theo ông Tài, vườn cà phê này cho thu hoạch khoảng 4 tấn cà nhân nhưng chi phí phân, xăng, công lao động, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng nên nếu năng suất vụ mùa này không đạt, gia đình ông cầm chắc lỗ vốn, hoặc may mắn thì huề vốn.
Theo nhiều người dân trồng cà phê, trồng tiêu tại huyện Đức Trọng và Lâm Hà, giá xăng, dầu tăng vọt đã khiến giá cả nhiều mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng mạnh. Cụ thể như phân vô cơ hỗn hợp loại 50kg trung bình có giá từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, nay tăng lên gần 1,3 triệu đồng. Cùng với đó, chi phí nhân công cũng bắt đầu tăng càng làm cho người sản xuất nông nghiệp thêm áp lực.
Bà Đặng Tuyết Anh tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cho hay, gia đình bà có 0,5 ha tiêu trồng xen với 1,7 ha cà phê. Mặc dù giá tiêu hiện tại bán ra đã có lãi nhưng do năng suất không cao, cộng với chi phí thuê nhân công, vật tư phân bón quá đắt, tăng 50 - 60% so với năm trước nên sau khi trừ chi phí, gia đình bà may mắn huề vốn với mảnh vườn trên.
Theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, không chỉ các mặt hàng nông sản, vật tư thiết lập mặt bằng giá mới, hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang chịu sức ép tăng giá rất lớn, đặc biệt là ngành vận tải, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng…
Cùng với giá xăng dầu và gas tăng, chi phí sản xuất đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng. Dự kiến, khoảng cuối tháng 3, nhiều loại hàng hóa, nông sản sẽ điều chỉnh giá bán nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng hoặc đứng ở mức cao.