Nhiều địa phương vẫn khó trong giải tỏa công suất thủy điện

Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), hiện tại, ngoài tỉnh Lào Cai có phụ tải tiêu thụ điện tại chỗ tương đối lớn, các tỉnh còn lại phụ tải tiêu thụ nhỏ hơn nhiều so với tổng công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện.

Do vậy, các đường dây 110 kV khu vực có nhiệm vụ chính là truyền tải công suất của các nhà máy thủy điện lên hệ thống điện. Thời gian qua, một số khu vực như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An tiếp tục khó khăn trong giải tỏa thủy điện.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Huổi Vang (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Ảnh: TTXVN phát

Trong năm 2021, có 63 đường dây mang tải từ 80 - 100%, tại các tỉnh: Hải Dương, Nghệ An, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hoà Bình, Hƣng Yên... Ngoài ra, có 35 đường dây quá tải tại một số thời điểm, tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu...

Lý giải nguyên nhân này, báo cáo của EVNNPC cho hay, hiện tiến độ của các nhà máy thủy điện không cố định chưa như kế hoạch đã ảnh hưởng đến vận hành lưới điện. Cùng đó là tiến độ đầu tư của ngành điện nói chung để đạt được mục tiêu truyền tải công suất phát của các nhà máy thủy điện lên lưới điện quốc gia.

Nhiều dự án 220 kV và 110 kV giải toả công suất thuỷ điện được ngành điện đầu tư triển khai chậm tiến độ so với quy hoạch do những vướng mắc khó khăn về nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài... dẫn tới tình trạng các đường dây 110 kV mang tải cao, đặc biệt khu vực Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An...

Theo báo cáo từ EVNNPC, tính đến ngày 15/12/2021, lưới điện thuộc EVNNPC quản lý có 298 nhà máy thủy điện đang vận hành với tổng công suất hơn 4.300 MW; trong đó, có 161 nhà máy thủy điện đấu nối vào lưới điện 110 kV với tổng công suất 3.606,5 MW; có 137 nhà máy thủy điện đấu nối vào lưới điện trung, hạ áp với tổng công suất 708,839 MW.

Các nhà máy thủy điện tập trung chính tại các khu vực phía Tây Bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên; phía Bắc Trung bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, hiện các khu vực này vẫn đang tiếp tục khảo sát bổ sung thêm các nhà máy thủy điện mới do tiềm năng còn lớn.

Ngoài ra, có khoảng 692,3 MWp điện mặt trời đấu nối tập trung tại các khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La; trong đó, có 109 MWp đấu nối lưới 110kV và 583,3 MWp điện mặt trời mái nhà đấu nối lưới trung, hạ áp.

Để giải tỏa công suất nguồn thủy điện nhỏ tại khu vực các tỉnh miền Bắc, ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, Tổng công ty đã có văn bản gửi UBND các tỉnh trong việc chỉ đạo các chủ đầu tư thủy điện nhỏ các khu vực, phối hợp đầu tư xây dựng các công trình phục vụ giải tỏa công suất.

Ngoài ra, thực hiện dịch chuyển giờ phát của các nhà máy thủy điện nhỏ theo theo hướng dẫn tại văn bản số văn bản số 17/ĐTĐL-HTĐ ngày 04/01/2018 của Cục Điều tiết Điện lực, hiện một số khu vực Hà Giang, Nghệ An, Sơn La đã thực hiện dịch chuyển giờ cao điểm để chống quá tải lưới điện 110 kV.

Đặc biệt, thời gian tới, các dự án, công trình đầu tư xây dựng phục vụ giải tỏa thủy điện cần phải đảm bảo tiến độ, sớm đóng điện đưa vào vận hành. Ông Nguyễn Đức Thiện cũng đề nghị các chủ đầu tư nhà máy điện thực hiện các cam kết đầu tư/cải tạo đường dây 110kV đấu nối vào đường dây trục chính, trạm biến áp 110 kV thuộc tài sản của ngành điện...

Đức Dũng (TTXVN)
Đánh giá lại tài sản, vốn của 3 nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trị An, Ialy
Đánh giá lại tài sản, vốn của 3 nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trị An, Ialy

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 2270/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đánh giá lại tài sản, vốn của 3 nhà máy thủy điện (Hòa Bình, Trị An, Ialy) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN