Theo tìm hiểu của phóng viên vào sáng 13/2 (nhằm ngày mùng 9 Tết Kỷ Hợi), các nhà xe vẫn tăng giá vé khá cao. Cụ thể nhà xe Đức Trọng (phường 2, thành phố Bạc Liêu) giá tuyến Bạc Liêu - Sài Gòn 250.000 đồng/vé; xe Anh Tuấn có giá 230.000 đồng/vé… trong khi giá ngày thường dao động từ 150.000 đồng - 160.000 đồng/vé.
Điều đáng nói là các nhà xe này trong những ngày qua lợi dụng việc đi lại đầu năm của người dân để tăng giá khoảng hơn 100% so với ngày thường, tận dụng cả lối đi để cho khách đứng, ngồi và thu giá cao bất thường.
Qua ghi nhận, nhiều người dân, hành khách bức xúc, cho rằng việc các nhà xe ở Bạc Liêu bán giá vé cao so với mức cho phép, kéo dài trong nhiều ngày qua, nhưng đến nay ngành chức năng, chính quyền địa phương chậm vào cuộc kiểm tra, xử lý, để nhiều hành khách bị “móc túi”.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lương Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bạc Liêu cho biết, có nhận được thông tin nêu trên và cho biết, đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị vận tải nào vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhiều hành khách vẫn chưa hài lòng, vụ việc... đã rõ như ban ngày nhưng ngành chức năng “vào cuộc” rất chậm chạp.
Cũng theo ngành Giao thông Vận tải tỉnh, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, có nhiều đơn vị vận tải ở Bạc Liêu đăng ký xin tăng giá vé từ 20 - 60% so với giá vé thông thường, nhưng ngành chỉ cho phép tăng không quá 40% so với giá vé thông thường.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bạc Liêu, từ ngày 26/1 - 10/2, số lượng phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định tham gia phục vụ Tết hơn 130 xe, hoạt động trên 5 tuyến cố định; tăng cường 14 xe trên 5 tuyến cố định liên tỉnh; các bến đã điều hành hơn 4.680 lượt xe, tàu xuất bến (163 lượt tàu), phục vụ khoảng 50.000 lượt hành khách. So với cùng kỳ năm 2018, tăng 450% về số chuyến xe, tàu xuất bến và tăng 4,5% về lượng hành khách; không có bến xe, tàu nào để xảy ra tình trạng hành khách ứ đọng qua đêm giao thừa.