Nhà nông nô nức xuống đồng

Những ngày đầu năm mới, bà con nông dân nhiều tỉnh phía Bắc đã nô nức xuống đồng làm đất, gieo cấy lúa vụ xuân. Nước đủ, thời tiết ấm là điều kiện thuận lợi nên Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) chỉ đạo các tỉnh miền Bắc khẩn trương hoàn thành cấy trong tháng 2.

 

Hồ hởi xuống đồng


Theo UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội), trong vụ xuân 2013, toàn huyện gieo cấy 9.150 ha lúa. Tranh thủ nguồn nước đổ ải đợt 2, ngay từ mùng 4 Tết, bà con nông dân một số xã đã ra đồng làm đất. Bắt đầu từ ngày mùng 8 Tết, toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đồng loạt ra quân cấy lúa xuân. Tính đến ngày mùng 8 Tết, cơ bản diện tích cấy đã có nước đổ ải, diện tích làm đất đạt khoảng 90%. Từ sáng mùng 7 Tết, tại cánh đồng thôn Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội), bà con nông dân cũng tích cực ra đồng tháo ni-lông che mạ để bón thúc thêm lân, đạm. Năm nay, thời tiết ấm nên mạ phát triển tốt, khỏe và ít sâu bệnh.


 

Nông dân xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, khẩn trương làm đất để gieo cấy vụ lúa xuân.

 

Tính đến ngày 18/2, theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố đã cấy được 37.655 ha. Các huyện ngoại thành như Ba Vì, Sơn Tây, nhờ chủ động làm sớm nên đến nay mỗi huyện đã đạt 80% diện tích gieo cấy. “Bà con chủ yếu cấy bằng tay. Mặc dù cấy bằng máy nhanh hơn và đã triển khai được đến nay là 3 vụ nhưng bà con vẫn chưa mặn mà lắm do phần lớn ruộng đồng còn manh mún. Đa số mỗi hộ chỉ có 2 - 3 sào ruộng, bà con chỉ cấy tay vài hôm là xong nên không quen cấy bằng máy”, ông Đào Xuân Thường, Phó Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết.


Cũng theo ông Thường, nét mới là năm nay Hà Nội triển khai ứng dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến, khuyến cáo nông dân bón phân khoáng trộn, phân chuyên dùng trên diện rộng, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho lúa trong suốt quá trình phát triển, tiết kiệm phân bón, nước tưới và công lao động. Việc này các vụ trước cũng đã triển khai nhưng diện tích ít hơn.


Không riêng Hà Nội, tại Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định…, bà con nông dân vui Xuân cũng không quên xuống đồng gieo cấy. Ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình cho biết: “Từ mùng 3, mùng 4 Tết, bà con đã xuống đồng cấy lúa xuân. Đến nay đã cấy được 82.000 ha”. Mùng 4 Tết, bà con nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã bắt đầu xuống đồng. Tỉnh Nam Định cũng xuống đồng từ mùng 3 Tết (ngày 12/2)…

 

Đảm bảo đủ nước, không lo thiếu vật tư


Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến ngày 18/2, có 95% diện tích gieo cấy của toàn thành phố đã có nước. “Với tiến độ như hiện nay, Hà Nội sẽ hoàn thành gieo cấy trước 28/2. Huyện Từ Liêm, quận Hoàng Mai và Hà Đông đều chưa triển khai nhưng diện tích cấy không lớn nên không đáng ngại, vẫn đảm bảo xong trong khung thời vụ”, ông Đào Xuân Thường khẳng định.


Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, cơ bản lượng nước năm nay đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, các địa phương cần lưu ý tuyên truyền, thông báo cho bà con nông dân sau Tết khẩn trương xuống đồng làm đất, gieo cấy đúng thời vụ. Các công ty thủy lợi trên địa bàn thành phố vẫn đang duy trì hoạt động 153 trạm bơm với 395 máy bơm các loại. Để đảm bảo cho bà con đủ nước gieo cấy, việc túc trực lấy nước được địa phương chú trọng.


Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi theo dõi sát sao tình hình xả nước và lấy nước ở các địa phương nhằm đảm bảo đủ nước cho gieo trồng vụ xuân. Sau hai đợt xả nước đổ ải (25/1- 29/1 và 1/2- 9/2) từ hồ thủy điện Thác Bà, Tuyên Quang và hồ Hòa Bình, đã có trên 3 tỷ m3 nước được xả về hạ du. Mỗi ngày, các địa phương đã duy trì khoảng 2.700 - 3.200 máy bơm để lấy nước về đồng ruộng.


Tại Thái Bình, Sở NN&PTNT cũng cho biết, nhờ chủ động các phương án từ trước và tập trung lấy nước từ 2 đợt xả nước đổ ải, đến nay, 100% diện tích đủ nước, đã cấy được khoảng 70% diện tích gieo trồng của toàn tỉnh. “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung điều tiết để tiêu cục bộ cho những vùng úng trũng, có cốt đất thấp”, ông Trần Xuân Định cho biết. Còn tại Nam Định, theo ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì đến nay, toàn tỉnh đã cấy được 28.500 ha, đạt 36% diện tích. Riêng huyện Hải Hậu đã đạt 90% diện tích gieo cấy.


Tổng cục Thủy lợi lưu ý trước đợt xả nước từ ngày 19/2 - 24/2, các địa phương phải tranh thủ thu hoạch dứt điểm cây vụ đông để đảm bảo mặt bằng gieo cấy đúng khung thời vụ.

 
Về vật tư nông nghiệp, theo phản ánh của nhiều địa phương, không có biến động về giá. Tại Hà Nội, ông Đào Xuân Thường khẳng định, với số lượng trên 100 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ đảm bảo cung cấp cho địa phương và các tỉnh xung quanh với giá ổn định. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, theo bà Thiều Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT tỉnh), lượng phân bón của các đại lý cơ bản cung cấp đủ và giá cả tại thời điểm này đang ổn định. Tại tỉnh Nam Định, Sở NN&PTNT tỉnh này cũng cho biết việc triển khai vụ xuân đang rất thuận lợi, vật tư nông nghiệp và giống đều đảm bảo yêu cầu.


Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng chỉ đạo các địa phương huy động tối đa lực lượng lao động và máy móc đẩy nhanh tiến độ làm đất, đảm bảo lấy nước đến đâu, làm đất ngay đến đó. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ gieo cấy lúa xuân 2013, phấn đấu cấy nhanh, gọn trong khung thời vụ tốt nhất. Cục cũng khuyến cáo các địa phương mở rộng diện tích lúa gieo thẳng, cấy bằng máy nhằm giảm chi phí.


Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu tập trung nguồn lực và phương tiện máy móc để lấy nước đạt hiệu quả cao trong đợt xả nước đổ ải lần 3, từ 19/2- 24/2. Theo chỉ đạo của Bộ, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc kết thúc gieo cấy trước ngày 28/2.


Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN