Nguy cơ dòng tiền rút khỏi các nền kinh tế mới nổi

Do phong trào phản đối chính phủ đang lan mạnh tại nhiều nền kinh tế mới nổi như Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà tài phiệt Phố Wall (Mỹ) đang bắt đầu rút vốn khỏi những nước này. Trong bối cảnh kinh tế châu Âu vẫn trì trệ và kinh tế Mỹ đang trong quá trình phục hồi, việc dòng tiền chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi - những đầu tàu của kinh tế thế giới hiện nay - sẽ làm lộ ra điểm yếu của nền kinh tế thế giới.


Bất ổn chính trị tại các nước đang phát triển là một nguy cơ với các nền kinh tế phát triển. Ảnh AFP/TTXVN


Trong một cuộc hội thảo do tập đoàn bảo hiểm Prudential Financial (Mỹ) tổ chức hồi cuối tháng trước vừa qua, các đại biểu rất quan tâm tới những rủi ro nảy sinh tại các nền kinh tế mới phát triển. Không chỉ riêng Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ, nơi bất ổn chính trị khiến tâm lý của các nhà đầu tư dao động, các thị trường mới nổi khác cũng đang kém dần sức hấp dẫn. Chỉ số thị trường các nền kinh tế mới nổi MSCI hồi cuối tháng 5/2013 đã giảm mạnh và tại thời điểm ngày 1/7, chỉ số này tiếp tục giảm tới 10% so với hồi đầu tháng 5/2013.


Tại Thổ Nhĩ Kỳ, từ cuối tháng 5/2013 đã xảy ra các cuộc biểu tình phản đối chính phủ của thế lực theo chủ nghĩa thế tục. Trong khi đó, bạo lực bùng phát hồi giữa tháng 6/2013 tại Brazil liên quan đến việc xin đăng cai vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2014. Tiếp đó là các cuộc biểu tình tại Hồng Công (Trung Quốc), bạo động tại Ai Cập… Chính trị bất an đã buộc các nhà tài phiệt Phố Wall tạm ngừng các dự án đầu tư ở đây. Theo tập đoàn Baclay của Anh, dòng tiền đang chảy ngược từ các nền kinh tế mới nổi tới các nước phát triển như Mỹ. Các tổ chức tài chính đang đua nhau “vừa bán vừa cho” đối với cổ phiếu tại các nền kinh tế mới nổi.


Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Ngân hàng các nước phát triển, đứng đầu là Mỹ, áp dụng chính sách nới lỏng định lượng (QE), tức bơm thêm tiền vào nền kinh tế, và các nhà tài phiệt nhanh chóng dùng số tiền huy động được để mang sang đầu tư tại những nền kinh tế mới nổi hứa hẹn lợi suất lớn hơn. Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ ngừng hoặc giảm quy mô chương trình QE, nguồn vốn khổng lồ đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi sẽ lại chảy ngược trở lại Mỹ.


Các nền kinh tế mới nổi, với vai trò là thị trường xuất khẩu và đầu tư của các nền kinh tế phát triển, đã đóng vai trò là đầu tàu cho nền kinh tế thế giới giai đoạn sau khủng hoảng 2008. Vì vậy, dòng vốn đầu tư nếu bị rút khỏi các nền kinh tế này sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động đầu tư thiết bị, tiêu dùng tại đây và hệ lụy của nó sẽ dẫn tới việc giảm sút lợi nhuận, mất việc làm từ chính các tập đoàn kinh tế tại các nước phát triển.


Hầu hết những nền kinh tế mới nổi đều có thặng dư thương mại, có dự trữ ngoại tệ rất lớn, nên sẽ ít có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ tương tự như năm 1997. Tuy nhiên, khi dòng tiền bị rút đi, sự bất ổn chính trị là nguy cơ rõ nét nhất đối với các nền kinh tế mới nổi.


Trong cuốn sách phân tích rủi ro chính trị tựa đề “sự hỗn loạn của các thị trường mới nổi” do công ty tư vấn Eurasia công bố hồi đầu năm 2013, tác giả chỉ ra rằng “kinh tế thế giới đang dựa vào các nền kinh tế mới nổi, vốn rất kém trong việc chống đỡ lại các cú sốc chính trị”. Với tình hình chính trị bất an ở các nền kinh tế mới nổi, “đám mây màu xám" đang ở rất gần các thị trường tài chính của các nền kinh tế phát triển.



Tri Phương (Theo Sankei)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN