Hội thảo “Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam 2011” do Ngân hàng Thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Ailen tổ chức ngày 13/4 đã công bố Báo cáo nghiên cứu về cảm nhận của người dân Việt Nam về vai trò của Nhà nước và thị trường ở Việt Nam (CAMS 2011).
Có hơn 1.000 người tham gia khảo sát để hình thành nên CAMS 2011. Trong số này, trả lời khảo sát về giá, 68% số người đồng ý là Nhà nước nên can thiệp vào giá. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này chứng tỏ việc thực hiện lộ trình giá thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, 50% số người trả lời đánh giá là chương trình bình ổn giá không có hiệu quả hoặc rất ít hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho rằng: Có thể là phần lớn hàng hóa thiết yếu tiêu thụ bởi các hộ gia đình chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh độc quyền, thống lĩnh thị trường (như điện, xăng dầu, ngoại tệ, vàng, đất đai, các nguyên liệu cơ bản, dịch vụ tài chính, hàng không, đường sắt…) nên người dân lo ngại về hệ quả xấu, nếu Nhà nước không có sự kiểm soát tốt.
Theo bà Lan, lý do tiếp theo có thể xuất phát từ cách thức truyền thông và các thông điệp liên quan từ các phương tiện truyền thông. Cụ thể là, mỗi khi có biến động giá cả trên thị trường, nhìn chung, các cơ quan truyền thông thường đổ lỗi cho đầu cơ, lợi dụng của những người kinh doanh để trục lợi; đồng thời, yêu cầu các cơ quan nhà nước có liên quan phải can thiệp kịp thời.
Minh Phương