Ngư dân thờ ơ với việc lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Hầu hết ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn thờ ơ, chưa mặn mà với việc lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá đánh bắt xa bờ.

Chú thích ảnh
Tàu đánh bắt xa bờ. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo quy định, trước ngày 1/7/2019, tàu cá có chiều dài lớn hơn 24m phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang ráo riết với tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân sớm hoàn thành việc lắp đặt thiết bị này.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đưa ra quyết tâm, chậm nhất đến ngày 1/4/2020, toàn bộ tàu cá đánh bắt xa bờ đều phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và chủ tàu phải bật thiết bị 24/24 giờ trong quá trình đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết ngư dân vẫn còn thờ ơ, chưa mặn mà với việc làm này.

Theo Kế hoạch 74/KH-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa-  Vũng Tàu về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhóm tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải lắp thiết bị này trước ngày 1/7/2019. Các tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m được gia hạn đến trước ngày 1/4/2020. Riêng các tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương phải lắp trước ngày 1/1/2020.

Như vậy, thời hạn để các tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không còn nhiều, thậm chí đối với tàu cá trên 24m chỉ còn khoảng 20 ngày. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản tỉnh, tỷ lệ tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp. Cụ thể, mới chỉ có gần 1/5 số tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó, loại tàu cá dài trên 24m cũng chỉ mới có 134 tàu cá đã lắp thiết bị này/tổng số 277 tàu.        

Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh đã và đang tổ chức nhiều buổi hội nghị tuyên truyền, vận động, phổ biến đến ngư dân về các cảnh báo của thẻ vàng EC, Luật Thủy sản năm 2017, các quy định và chế tài xử phạt đối với tàu không lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, cung cấp danh mục các đơn vị chuyên cung cấp thiết bị và dịch vụ giám sát hành trình tàu cá uy tín, chất lượng cho ngư dân... Tuy nhiên, về phía ngư dân, nhất là các ngư dân có tàu trên 24m trở lên vẫn không mấy mặn mà.

Anh Nguyễn Trường Quang, ngư dân xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có 2 tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67, chiều dài trên 24m. Tuy nhiên, đến nay, anh vẫn chưa lắp thiết bị giám sát hành trình cho cả 2 tàu cá của gia đình với lý do tàu cá của gia đình anh thời gian gần đây liên tục gặp nạn, ảnh hưởng tới việc đánh bắt, kéo theo thu nhập bị giảm sút. Vì vậy, anh Quang cho biết, vẫn chưa có tiền để lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu.

“Mỗi tàu cá tốn khoảng 30 - 50 triệu đồng cho chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chưa kể phí để duy trì hoạt động của thiết bị đóng theo tháng, nên đến nay, tôi vẫn chưa có điều kiện để lắp thiết bị này. Đây không phải là số tiền nhỏ nên tôi mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ phần nào cho ngư dân khi lắp đặt loại máy trên”, anh Quang nói.

Còn ông Nguyễn Đình Liến, ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, cũng là chủ 2 chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67, đến thời điểm này, ông cũng vẫn chưa lắp thiết bị giám sát hành trình cho 2 chiếc tàu cá (1 dài 28m, 1 dài 29m), bởi 2 chiếc tàu này của ông đang bị trục trặc về giấy tờ khi chuyển đổi nghề từ lưới rê sang nghề màn chụp, khiến cả 2 tàu không được đăng kiểm nên không thể ra khơi đánh bắt.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, việc tăng cường lắp đặt máy thông tin và giám sát hành trình đã được thực hiện trong thời gian qua, tuy nhiên, vẫn chưa được ngư dân coi trọng. Nhiều chủ tàu vẫn xem nhẹ, thậm chí cảm thấy phiền phức khi phải lắp đặt loại máy này vì tọa độ đánh bắt của họ sẽ bị thông báo về cơ quan quản lý. Do đó, số chủ tàu chủ động lắp đặt vẫn còn ít. Tuy nhiên, tới đây, quy định của tỉnh là tàu không lắp đặt máy giám sát hành trình thì không được xuất bến, không được cấp hạn ngạch khai thác.

“Không những siết chặt việc lắp đặt trước khi xuất bến, ngày 5/7 tới đây, khi Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực, các tàu sau khi lắp phải mở máy giám sát hành trình 24/24 giờ, nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng, từ 300 - 500 triệu đồng. Đây là chế tài mạnh, thể hiện quyết tâm của chính quyền trong việc quản lý tàu cá đánh bắt xa bờ”, ông Hoàng thông tin thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hoàng, việc quản lý tàu cá bằng máy giám sát hành trình hiện nay vẫn còn nhiều điều bất cập. Trên địa bàn tỉnh đang có 6 nhà phân phối máy giám sát hành trình như VNPT, Vishipel, Viettel..., mỗi loại máy của một nhà phân phối có chức năng, thông số kỹ thuật khác nhau. Đặc biệt, các tàu dùng loại máy nào sẽ báo vị trí, hành trình của mình về phần mềm cho nhà phân phối đó quản lý.

Hiện Chi cục Thủy sản tỉnh chỉ mới liên hệ và quản lý được các tàu cá mua máy giám sát hành trình của 2 nhà phân phối. Chi cục đã có kế hoạch làm việc để yêu cầu các nhà phân phối máy giám sát hành trình cung cấp phần mềm. Dù vậy, điều này vẫn gây khó khăn trong quản lý tàu cá.

Do đó, ông Hoàng cho rằng, tốt nhất là nên thành lập một Trung tâm Quản lý tàu cá Trung ương. Dữ liệu của toàn bộ tàu cá sẽ được đưa về đây sau đó phân phối về các địa phương. Sau đó, Chi cục Thủy sản sẽ là đơn vị trung chuyển sang Ban Quản lý các cảng cá, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng để thuận tiện trong phối hợp kiểm soát tàu cá đánh bắt xa bờ. Như vậy, sau khi các tàu cá đều lắp thiết bị giám sát hành trình thì hiệu quả quản lý mới được nâng cao.

Hoàng Nhị (TTXVN)
Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá
Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá

Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ tàu cá thuộc diện bắt buộc trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN