Ngành in ấn và bao bì Việt Nam cần chuyển đổi số để lấy lại đà tăng trưởng

Theo Hiệp hội in Việt Nam, ngành in ấn và bao bì là ngành công nghiệp phụ trợ cho rất nhiều ngành kinh tế khác. Sau nhiều năm tăng trưởng liên tục, năm 2023, tốc độ tăng trưởng của ngành có sự suy giảm. Vì vậy, để lấy lại đà tăng trưởng, ngành in ấn và bao bì cần thay đổi công nghệ và chuyển đổi số mạnh mẽ.

Chú thích ảnh
Ngành in ấn và bao bì Việt Nam cần chuyển đổi số để lấy lại đà tăng trưởng. 

Ngày27/9, tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 21 ngành Công nghiệp bao bì và in ấn năm 2023 (VietnamPrintPack), ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam cho biết, ngành bao bì và in ấn Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển. Cụ thể, rất nhiều đoàn doanh nghiệp từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đến Việt Nam khảo sát, tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực in ấn, bao bì trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng năm 2022, Hiệp hội đã tiếp hàng trăm lượt doanh nghiệp từ các nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư, hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dòng, cũng không ít thách thức khi các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiết bị máy móc lạc hậu, phương thức sản xuất còn mang tính truyền thống nên khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp Việt có thể bị thâu tóm trên sân nhà. Thực tế, 5 năm trở lại đây, đã có hơn 10 doanh nghiệp bao bì lớn nhất của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài "thôn tính" và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn.

"Sở dĩ các doanh nghiệp Việt bị "thôn tính" do không có người kế thừa, không thu hút được nguồn lực lao động, bản lĩnh kinh doanh chưa đủ mạnh để đương đầu với thử thách thị trường khi doanh nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh thị phần. Với tình hình này, nếu doanh nghiệp Việt không nhanh chóng cải thiện chất lượng quản trị sẽ ngày càng đuối sức, phải chịu thua trên sân nhà", ông Nguyễn Văn Dòng cảnh báo. 

Theo Hiệp hội in Việt Nam, hiện nay có khoảng 400 doanh nghiệp in có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, chiếm 1/5 tổng số doanh nghiệp in trên cả nước nhưng chiếm đến hơn 1/3 thị phần. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngoại đang chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Để cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành bao bì và in ấn, sự đổi mới là vô cùng cần thiết. Theo xu hướng hiện tại, doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng chuyển đổi ứng dụng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh vào sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm xanh để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, bà Judy Wang, Chủ tịch Công ty triển lãm Yorkers Exhibition Service Vietnam cho biết, với sự phát triển của thương mại điện tử và sự tăng trưởng của thị trường trong nước, các công ty ngành in ấn, bao bì Việt Nam và quốc tế ngày càng nhận thức sâu rộng hơn về sự cần thiết trong việc tạo dấu ấn thương hiệu thông qua việc cải tiến bao bì và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành in ấn, bao bì cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng lợi ích cho khách hàng... Có như vậy mới giữ chân khách hàng lâu hơn. 

Triển lãm VietnamPrintPack 2023 diễn ra từ ngày 27 - 30/9 tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (Quận 7, TP Hồ Chí Minh). Triển lãm được tổ chức bởi Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad (trực thuộc Bộ Công Thương) và Công ty TNHH MTV Yorkers Exhibition Service Vietnam. Sự kiện quy tụ hơn 910 gian hàng của 411 đơn vị triển lãm đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Slovakia, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam. 
Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Ngành in sẽ dịch chuyển theo hướng số hóa
Ngành in sẽ dịch chuyển theo hướng số hóa

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường in xuất khẩu trên thế giới, để chuẩn bị cho mình các điều kiện cần thiết, xây dựng dây chuyền sản xuất phù hợp, để gia nhập thị trường in xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN