Ngành dầu khí: Khơi dậy phong trào thi đua sáng tạo của người lao động

Sự phát triển bền vững của ngành dầu khí hôm nay có sự đóng góp công sức không nhỏ của đội ngũ cán bộ công nhân, lao động, đặc biệt là sự đóng góp từ những sáng kiến, sáng chế tiết kiệm hàng chục tỉ đồng.


Xuất phát từ yêu nghề


Gặp anh Trần Xuân Lý, kỹ sư cơ khí chế tạo máy, Xí nghiệp sửa chữa Cơ điện của Công ty Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) chúng tôi mới hiểu vì sao mọi người lại gọi anh là “cây sáng kiến” của công ty. Anh là chủ nhân của 12 sáng kiến, sáng chế được nhận bằng khen của đơn vị và Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Đa số sáng kiến của kỹ sư Lý và các đồng sự đều được áp dụng và mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong công việc.


Anh Nguyễn Xuân Quang bên cạnh sản phẩm sáng chế đo độ lệch và phương vị giếng khoan.


Anh Lý tâm sự: “Hàng ngày, chứng kiến đồng nghiệp làm việc rất vất vả, đã thôi thúc tôi suy nghĩ tạo ra những sáng kiến, sáng chế để giảm bớt gánh nặng công việc cho anh em và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty. Ngoài ra, lòng yêu nghề, hiểu nghề đã giúp tôi phát huy được khả năng trong công việc”.


Một trong những sáng kiến của anh cùng các đồng nghiệp tại phân xưởng thực hiện là “Thiết kế và chế tạo hệ thống làm mát dầu thủy lực cho máy cưa vòng model MACC 700 DI - Italy”. Nhờ đó, máy cưa này có thể cưa những cây sắt đường kính lên đến 500 mm. Trước đó, khi nhập khẩu về Việt Nam, máy này lại không thể sử dụng được và nhiều lần phải gọi những chuyên gia người Italia sang để bảo trì, sửa chữa nhưng vẫn không phát hiện ra được sự cố máy móc.


Trước tình hình đó, các công nhân kỹ sư của xưởng đã mày mò và phát hiện được mấu chốt của vấn đề là hệ thống này được thiết kế dựa trên điều kiện nhiệt độ ở châu Âu, khi về nước ta sử dụng thì hệ thống làm mát không đáp ứng được điều kiện thời tiết nóng dẫn đến các sự cố trong quá trình máy hoạt động. Chính vì vậy, anh Lý cùng với các đồng nghiệp đã sáng chế ra hệ thống làm mát dầu thủy lực.


Anh Trần Xuân Lý cho biết: “Chúng tôi đã nhiệt đới hóa một sản phẩm nhập khẩu cho phù hợp với điều kiện sản xuất của mình để đạt hiệu quả công việc. Trước khi có hệ thống này, máy thường xuyên hư hỏng, phải dùng hơn 10 lưỡi cưa/tháng, tốn từ 30 đến 40 triệu đồng, nhưng từ khi áp dụng sáng chế này mỗi tháng chỉ cần sử dụng từ 1 - 2 lưỡi cưa, tiết kiệm hàng chục triệu đồng...”.


Nhiều “nhà” sáng chế


Một trong những sáng chế tiêu biểu của ngành dầu khí có thể kể đến là “Phương pháp và thiết bị xác định vị trí rò rỉ của ống dẫn ngầm dưới biển hoặc dưới nước” do đồng chí Phùng Đình Thực, nay là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cùng với các cộng sự thực hiện, sau khi đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế trị giá gần 197.000 USD.


Ngoài ra, phải kể tới một sáng chế có ý nghĩa to lớn, khẳng định khả năng sáng chế của đội ngũ công nhân kỹ thuật Việt Nam, đó là sáng chế “Hệ thống cảnh giới giếng khoan - Summomer”. Anh Dương Văn Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan, đại diện các tác giả, chia sẻ: “Hệ thống này có khả năng cảnh báo sự va chạm giữa choòng khoan của giếng khoan đang hoạt động và các giếng kế cận hoặc các giếng tuy xa hơn nhưng có nguy cơ bị xuyên thủng khi ở độ sâu thích ứng, đặc biệt là trong quá trình khoan xiên.


Khi khoan chèn trong điều kiện mật độ giếng đan dày, nguy cơ choòng khoan va chạm hoặc xuyên thủng các giếng lân cận tăng rất cao. Sẽ là thảm họa khi xuyên thủng giếng khoan đang khai thác với lưu lượng lớn, do vậy chúng tôi sáng chế ra hệ thống Summomer để ngăn ngừa các sự cố như vậy”. Hệ thống cảnh giới giếng khoan - Summomer là một sản phẩm hoàn toàn do các cán bộ kỹ thuật và công nghệ thông tin trong nước thiết kế, chế tạo. Sáng kiến này mở đầu cho các nghiên cứu tự lực phát triển các hệ thống ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất khai thác dầu khí tại Việt Nam.


Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cho biết: Với mục tiêu xây dựng PVN thành Tập đoàn Dầu khí quốc gia năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, hiện nay Tập đoàn đang đẩy mạnh hoạt động tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao; trong đó, hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi.


Ngoài ra, Tập đoàn cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu khí ở nước ngoài để đến năm 2020 có khoảng 1/3 sản lượng dầu khí được khai thác ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thực tế mỗi năm, Tập đoàn nộp ngân sách Nhà nước hơn 57 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện Tập đoàn có hơn 60.000 lao động, trong đó lao động quản lý chiếm 8,16%, lao động chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ chiếm 41,99%, lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh chiếm 49,85%.

Bên cạnh đó, một đơn vị cũng nổi tiếng với nhiều sáng kiến - sáng chế mang lại hiệu quả kinh tế cao là Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng. Kỹ sư Nguyễn Như Bình, phòng Kỹ thuật sản xuất của Xí nghiệp, cho biết chỉ trong 2 năm (2009 và 2010), các sáng kiến đã mang lại hiệu quả gần 400.000 USD. Trong đó, sáng kiến “Gia công và cải tiến bộ tạo xung áp suất (Muleshoe) của hệ thống máy đo MWD (Mesuremant While Drilling)” nhằm kéo dài thời gian làm việc của máy đo MWD trong quá trình khoan xiên đã mang lại hiệu quả kinh tế hơn 63.500 USD trong năm đầu áp dụng.


Hay “Thiết kế, chế tạo dụng cụ thiết bị để thay thế tay người máy trên tháp khoan VBMA - 53 x 320 trên các giàn cố định thay cho cho tàu cẩu Trường Sa” cũng đã mang lại ­hiệu quả kinh tế hơn 50.000 USD. Sáng kiến - sáng chế này đã được đăng ký tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2011 - 2012.


Anh Nguyễn Xuân Quang, cán bộ có hơn 10 sáng chế tại Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan, cho rằng để hoạt động sáng kiến - sáng chế phát triển thì hoạt động này phải được sự ủng hộ của các lãnh đạo. Nếu lãnh đạo không ủng hộ, tạo điều kiện, không thấu hiểu được công việc lao động sáng tạo của cán bộ công nhân viên, thì mọi sáng kiến - sáng chế hoặc sẽ không có cơ hội được công nhận hoặc sẽ không được đưa vào áp dụng, phát triển mà sẽ có nguy cơ bị xếp xó.



Bài và ảnh:Hoàng Tuyết

Vietsovpetro: Đi đầu các sáng kiến của ngành dầu khí Việt Nam

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) luôn khẳng định được vai trò đi đầu trong các phong trào thi đua sáng kiến, sáng chế của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN