Theo đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) dự kiến sẽ trả cổ tức 25% bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu như các năm trước, tức cổ đông sẽ nhận được 2.500 đồng cho mỗi cổ phiếu sở hữu.
Thời gian thực hiện dự kiến ngay trong quý I/2023. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Đây là ngân hàng đầu tiên lấy ý kiến cổ đông về việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.
TPBank cho biết lũy kế đến hết năm 2022, lợi nhuận còn lại và các quỹ thặng dư đạt hơn 13.364 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.486 tỷ đồng.
Năm 2022, TPBank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 30%, đạt gần 7.900 tỷ đồng nhờ gia tăng thu nhập phí và sự phục hồi của khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh nên dự phòng rủi ro giảm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết nếu được đại hội cổ đông thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, ngân hàng này có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tức mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VIB có thể nhận được 3.500 đồng cổ tức. Thậm chí, theo đại diện VIB, con số 35% có thể cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022.
Năm 2022, VIB đạt hơn 10.580 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 32% so với năm trước.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.
Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng tại đại hội cổ đông năm 2022 từng tiết lộ dự định sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm. Nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năm nay là lần đầu tiên kể từ khi "lên sàn" năm 2017, VPBank thực hiện trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu.
Còn tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022 được đại hội cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt bên cạnh việc chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu. Kế hoạch này dự kiến thực hiện trong năm 2023 nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Lần gần nhất ACB chi cổ tức bằng tiền mặt là từ năm 2015 với tỷ lệ 7%, tức với mỗi cổ phiếu ACB cổ đông sở hữu được nhận 700 đồng.
Vấn đề chi trả cổ tức luôn "nóng" trong mỗi kỳ đại hội cổ đông và dự kiến sẽ tiếp tục được đặc biệt quan tâm và chất vấn trong mùa đại hội cổ đông sắp tới.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có chỉ đạo khuyến khích các tổ chức tín dụng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Cụ thể, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Trong các năm trước đó, từ năm 2020 đến 2022, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp kêu gọi các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm giúp bản thân ngân hàng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong 3 năm này, hầu hết các ngân hàng đã lựa chọn việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.