Nâng tầm giá trị bưởi Đoan Hùng: Chinh phục thị trường Âu – Mỹ

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc bưởi đặc sản Đoan Hùng, huyên Đoan Hùng (Phú Thọ) nên chất lượng và giá trị quả bưởi ngày càng tăng cao. Tỉnh Phú Thọ xác định, phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng là một trong những chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Phú Thọ, hướng đến xuất khẩu thị trường Âu – Mỹ.

Huyện Đoan Hùng hiện có khoảng 2.700 ha trồng bưởi (tăng hơn 1.027 ha so với năm 2016); trong đó có hơn 1.420 ha bưởi đặc sản được trồng tập trung ở các xã: Chí Đám, Bằng Luân, Hùng Xuyên, Hợp Nhất, Vân Đồn, Tây Cốc.

Xác định rõ giá trị của bưởi đặc sản trong tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2016-2019, cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được đầu tư tập trung bài bản, tạo ra một giá trị sản phẩm hàng hóa có thương hiệu quốc gia, vươn xuất ngoại ra thế giới.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải, cây bưởi được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Bởi vậy, Phú Thọ đã quan tâm tập trung chỉ đạo phát triển diện tích, tăng năng suất, chất lượng, sản lượng bưởi. Tỉnh Phú Thọ sẽ tạo mọi điều kiện, sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp tham gia vào sản xuất kinh doanh, giới thiệu, đặc biệt là tiêu thụ chế biến nông sản, tạo ra chuỗi liên kết từ giá trị sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Các đơn vị liên quan cần tạo mọi điều kiện thuận lợi và hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, thu mua sản phẩm bưởi Đoan Hùng theo chuỗi liên kết…

Bà Vũ Thị Minh Tâm, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Phú Thọ cho biết, huyện Đoan Hùng có 14 hợp tác xã tham gia vào quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ cây bưởi. Các hợp tác xã đã chủ động, tích cực trong việc liên kết với các hộ dân để hình hành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất. Nhiều hợp tác xã tích cực quảng bá giới thiệu bán sản phẩm bưởi Đoan Hùng trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, facebook, sàn thương mại điện tử.

Trên thực tế, bưởi đặc sản Đoan Hùng được nhiều người biết đến bởi trái nhỏ, mọng nước, có tép nhỏ, mềm, vị ngọt, hương thơm đặc biệt. Nhờ đó, tháng 3/2006, sản phẩm bưởi quả Đoan Hùng được Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ ghi nhận vào sổ đăng ký quốc gia tên gọi xuất xứ hàng hoá và được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn.

Hiện, huyện Đoan Hùng đã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, bưởi Đoan Hùng là sản phẩm duy nhất đạt 4 sao. Đây được xem  là "đòn bẩy" quan trọng giúp sản phẩm bưởi Đoan Hùng quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.

Sản lượng bưởi quả có sự tăng trưởng rõ rệt từ 11.000 tấn (năm 2016) lên đến 26.565 tấn (năm 2021). Năm 2022 sản lượng bưởi quả ước đạt khoảng 29.000 tấn, tăng 18.000 tấn so với năm 2016, giá trị sản phẩm ước đạt 350 tỷ đồng. Bình quân mỗi hecta bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa và gấp 30 lần trồng cây lâm nghiệp, gấp 5 lần trồng chè.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,69 triệu đồng/năm từ cây bưởi Đoan Hùng. Giá trị sản phẩm mang lại từ cây bưởi đặc sản tăng khoảng 5,02%/năm, đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp của huyện.

Nhờ giá trị mang lại từ cây bưởi, huyện Đoan Hùng phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng tổng diện tích cây bưởi đạt 3.000 ha; sản lượng trên 30.000 tấn, đồng thời bảo vệ và phát triển thương hiệu "Bưởi đặc sản Đoan Hùng".

Trên cơ sở đó, huyện Đoan Hùng tập trung rà soát quỹ đất, tận dụng một số diện tích đất cao hạn, diện tích chân ven đồi để trồng mới 840 ha bưởi đặc sản; xây dựng kế hoạch thành lập các cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao đảm bảo cung cấp cho nông dân với giá thành hợp lý.

Theo quy định, sản phẩm xuất khẩu phải đạt các tiêu chuẩn về chất lượng như: Sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm ở mức cho phép và truy suất được nguồn gốc. Do áp dụng quy trình sản xuất an toàn nên mẫu mã và chất lượng bưởi ở Đoan Hùng ngày càng được nâng cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng là nền tảng để bưởi Đoan Hùng lên đường chinh phục thị trường quốc tế.

Nhằm tiếp tục chinh phục thị trường xuất khẩu đặc sản bưởi Đoan Hùng, mới đây ngày 17/10, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Cơ quan kiểm dịch động, thực vật Hoa Kỳ đã trực tiếp khảo sát vùng trồng bưởi xuất khẩu sang Nga của tỉnh Phú Thọ và công nhận những trái bưởi này đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Về phía tỉnh Phú Thọ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ khẳng định, các vùng bưởi đặc sản của Phú Thọ sẵn sàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang đợi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng này sang thị trường Hoa Kỳ.

Đây cũng là cơ hội để quả bưởi Phú Thọ mở rộng thị trường xuất khẩu, không chỉ riêng tại thị trường Hoa kỳ mà còn nhiều thị trướng khác như: Trung Đông, Ấn Độ, Nhật Bản…

Thời gian tới, để cây bưởi phát triển thành ngành hàng chủ lực, huyện Đoan Hùng tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp tăng chất lượng, giá trị cây bưởi trồng. Trước hết, tăng cường khuyến nông, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, VietGAP.

Ông Khuất Đăng Khoa, Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết, huyện đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân, nhất là người trồng bưởi, người kinh doanh bưởi thấy được giá trị và uy tín của sản phẩm; từ đó có ý thức tham gia bảo vệ và phát triển thương hiệu bưởi Đoan Hùng. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc bưởi; mở rộng các vùng trồng bưởi theo quy mô hàng hóa, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của tỉnh, của huyện.

Huyện đặc biệt chú trọng vào việc áp dụng các quy trình sản xuất an toàn như: Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, quy trình VietGAP, quy trình sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ... đồng thời tiếp tục phát triển bảo vệ bền vững thương hiệu bưởi Đoan Hùng; tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo hướng hàng hóa, hiện đại và sản xuất theo chuỗi liên kết từ trồng - bảo quản - chế biến - tiêu thụ. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô thích hợp.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Bưởi trở thành trái cây thứ 7 của Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ
Bưởi trở thành trái cây thứ 7 của Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ

Sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thông báo chính thức cho phép nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam. Như vậy, trái bưởi tươi của Việt Nam (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN