Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại - Bài 1: Chủ động để bảo vệ quyền lợi chính đáng

Liên tiếp trong tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam nhận được từ cơ quan chức năng thông báo các Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá mặt hàng pin năng lượng mặt trời, mật ong hay Ủy Ban Chống bán phá giá Australia gia hạn điều tra chống bán phá giá với ống thép chính xác...

Với tần suất các cuộc điều tra chống bán phá giá của nước ngoài với hàng hóa Việt Nam những năm gần đây liên tục gia tăng đã gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng từ việc phải đối diện và ứng phó với các sự việc này, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề Việt Nam đã khẳng định sự chủ động về năng lực sản xuất, xuất khẩu và khả năng phòng vệ thương mại. TTXVN thực hiện chùm bài viết về Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại nhằm ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp trong bảo vệ sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh phù hợp với xu hướng hội nhập.

Chú thích ảnh
Mật ong Hoa Ban đặc quánh và có màu nâu đậm. Ảnh minh họa: Xuân Tư /TTXVN

Bài 1: Chủ động để bảo vệ quyền lợi chính đáng

Việt Nam đã tham gia 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), cả song phương và đa phương; trong đó có những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, đi liền với việc gia tăng xuất khẩu, số vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng hóa Việt Nam cũng đang gia tăng nhanh chóng. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Thách thức từ hội nhập

Thống kê cho thấy, đến hết quý I/2021 đã có 203 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.

Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị  áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Nguyên nhân là do xuất khẩu tăng nhanh nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác xuất phát từ tác động của dịch COVID-19 đến nhiều nền kinh tế, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân. Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt trong phòng chống dịch, Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng trên nhiều lĩnh vực; trong đó có xuất khẩu.

Bởi thế, không ít quốc gia đã gia tăng điều tra phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất, nhất là với các nước vẫn duy trì xuất khẩu tốt như Việt Nam.

Đơn cử như mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại mật ong Việt Nam sẽ gặp khó khăn ở thị trường Mỹ vì mức thuế chống bán phá giá mà phía nguyên đơn đề nghị với mặt hàng này lên tới 207%.

Ông Chu Thắng Trung- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm gần đây Mỹ có kim ngạch nhập khẩu mật ong tự nhiên trung bình khoảng 450 triệu USD/năm. Các nước xuất khẩu chính vào thị trường Mỹ là Brazil, Argentina, Ấn Độ, Việt Nam, Canada, Ucraina. 

Riêng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam sau khi giảm liên tục trong hai năm 2018 và 2019 đã tăng 27,7% trong năm 2020, đạt mức 60,4 triệu USD. Do có tốc độ tăng trưởng lớn, tỷ trọng nhập khẩu mật ong từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ đã lên đến 14,5%, mức cao nhất trong vòng 4 năm gần đây.

Đây chính là nguyên do Việt Nam có khả năng bị Mỹ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc bị điều tra lẩn tránh thuế cùng với một số nước xuất khẩu khác.

Vì vậy, nếu bị áp kiện chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ không chỉ gặp khó khăn ở thị trường Mỹ mà còn có những ảnh hưởng lớn tới sinh kế của người nông dân nuôi mật ong. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp thách thức lớn bởi nguồn lực hạn chế khi tham gia các vụ điều tra của Mỹ.

Ngay sau khi nhận được thông báo từ DOC, Cục Phòng vệ thương mại đã khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu mật ong nên trả lời bảng câu hỏi của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) để thể hiện thiện chí hợp tác với cơ quan điều tra Mỹ.

Cục Phòng vệ thương mại cũng đưa ra thông điệp sẵn sàng sát cánh với doanh nghiệp qua việc hỗ trợ các trả lời theo đúng quy định. Bởi, bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc cơ quan điều tra phía Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do nguyên đơn đề xuất.

Sử dụng công cụ hợp pháp

Không chỉ riêng với mật ong mà ngày càng nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Dù vậy, ngoài những doanh nghiệp chủ động tham gia phối hợp trong các vụ việc khởi kiện và kháng kiện, còn rất nhiều doanh nghiệp thiếu quan tâm, thậm chí lơ là dù Bộ Công Thương đã triển khai thường xuyên, rộng khắp các hoạt động cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp về phòng vệ thương mại.

Bà Phan Mai Quỳnh, Phó Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và Tự vệ (Cục Phòng vệ thương mại) khẳng định, để tránh những rủi ro do kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp nên chủ động tham gia trả lời các câu hỏi của bên điều tra, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu theo đúng yêu cầu, chuẩn bị thời gian, luật sư phiên dịch. Chính sự chủ động hợp tác, tham gia của doanh nghiệp quyết định đến 90% kết quả của vụ điều tra.

Không chỉ vậy, bà Phan Mai Quỳnh cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ, nghiên cứu các quy định về thương mại, phòng vệ thương mại quốc tế hoặc cân nhắc tư vấn từ luật sư am hiểu pháp luật quốc tế khi cần thiết.

Mặc dù pháp luật về phòng vệ thương mại Việt Nam đã được xây dựng cách đây 15 năm, trước khi chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng theo ông Chu Thắng Trung, chỉ trong khoảng 5 năm gần đây Việt Nam mới thực sự chủ động sử dụng công cụ hợp pháp mà WTO và các FTA cho phép.

Hơn nữa, nhờ những nỗ lực giải trình và hợp tác, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65/151 vụ việc, cao hơn mức trung bình của các nước trên thế giới.

Đáng lưu ý, qua các vụ kháng kiện thành công đã giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Canada...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước.

Thống kê cho thấy, đến nay Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc phòng vệ thương mại và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác với các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng HFCS nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc; điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Hiện Việt Nam đang áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mặt hàng đường Thái Lan.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước cũng như tạo đà cho xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2074/QĐ-BCT về Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chủ động sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng.

Hiện tại, việc thực hiện về cảnh báo sớm đối với nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường khác nhau đang được các đơn vị của Bộ Công Thương; trong đó có Cục Phòng vệ thương mại cập nhật danh sách ngành hàng, sản phẩm và có các điều chỉnh xuất khẩu phù hợp để hạn chế bị kiện phòng vệ thương mại trên trang web www.trav.gov.vn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang tích cực xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề, thương nhân khi xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu nhằm giảm thiểu tác động đến các doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam.

Bài 2: Kinh nghiệm từ ngành thép

Uyên Hương (TTXVN)
Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại - Bài cuối: Nhận thức - yếu tố then chốt
Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại - Bài cuối: Nhận thức - yếu tố then chốt

Toàn cầu hóa hội nhập kinh tế quốc tế đang là xu thế nổi bật của thế giới hiện nay nhưng quá trình hội nhập và mở cửa thị trường đã đặt các ngành sản xuất trước những thách thức cạnh tranh lớn hơn đến từ hàng nhập khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN