Khâu quản lý chặt chẽ
Mặc dù kinh tế tập thể, hợp tác xã đã thể hiện được vai trò và hiệu quả huy động nhân lực phát triển kinh tế, nhưng vẫn chưa phát huy triệt để như mong muốn. Thống kê hiệu quả của kinh tế tập thể trong 20 năm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng so sánh, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể có chuyển biến tốt, nhưng vẫn chỉ bằng 50% tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tổng thể. Chính vì vậy, để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển thì cần hoàn thiện thể chế, cơ cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn, miền núi. Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh cải thiện, nâng cao đội ngũ nhân sự quản trị hợp tác xã phát triển theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, các hợp tác xã cần phát huy lợi thế quy mô thành viên, nơi nào thu hút đông thành viên thì nơi đó kinh tế, xã hội phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, song song với sự quản trị nhân lực của từng đơn vị hợp tác xã, tổ chức kinh tế tập thể, thì vai trò của chính quyền địa phương mang tầm quan trọng bởi thực tế chứng minh, lãnh đạo địa phương nào quan tâm nhiều đến kinh tế tập thể thì địa phương đó có nhiều hợp tác xã hoạt động chất lượng. Song song với đó, các cấp, các ngành cần hỗ trợ hợp tác xã bằng nguồn lực đã có gắn với chiến lược nông thôn bền vững...
Trước những yêu cầu phát triển kinh tế tập thể hiệu quả, hiện nay Quốc hội cũng đã có dự án sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012 phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện cho các hợp tác xã có thêm nguồn lực phát triển. Ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong hơn 18.700 hợp tác xã nông nghiệp, có khoảng 2.000 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hơn 1.000 hợp tác xã là chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), 37% số hợp tác xã tham gia liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân… Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3,7% được tiếp cận tín dụng hàng năm. Vấn đề đặt ra là hợp tác xã gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi của hệ thống ngân hàng thương mại. Điều này dẫn đến hệ lụy các hợp tác xã không có tiềm lực kinh tế để được khuyến khích đầu tư chế biến, nên chỉ có thể tập trung thu gom, năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, tạo áp lực cho doanh nghiệp liên kết hoặc hạn chế sự hình thành và phát triển chuỗi liên kết, đặc biệt là hình thành “bẫy” tín dụng hay tín dụng "đen" phát triển ở nông thôn.
Do đó, vào giữa tháng 6/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 799/QĐ-TTg giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi. Cụ thể, Luật sửa đổi này tập trung vào việc hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã, mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành hợp tác xã.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào giao thương
Phát triển kinh tế tập thể trở thành nhiệm vụ thúc đẩy nền kinh tế cả nước đi lên. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022. Theo đó, về mục tiêu tổng quát, Trung ương xác định: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình.
Thực hiện mục tiêu này, phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên, 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời, cả nước phấn đấu có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là một bước tiến lớn của các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay. Ðể tiếp cận thị trường hiệu quả trong bối cảnh mới, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kết hợp ứng dụng số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Qua đó, không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm trên thị trường, mà còn gia tăng hiệu quả kinh doanh, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên.
Tại thành phố Cần Thơ, cùng với công tác xúc tiến thương mại, liên minh hợp tác xã thành phố Cần Thơ đã phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố hỗ trợ cho các hợp tác xã tham gia dự án khoa học công nghệ "Ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa" của thành phố Cần Thơ.
Ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ cho biết, thực hiện theo dự án sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012, Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh công tác tập huấn về kỹ năng hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin, làm quen với công nghệ số, từ cách thức đăng nhập thông tin tài khoản, giới thiệu sản phẩm, đến cách thức thanh toán, giao và nhận hàng hóa qua nền tảng số. Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ cũng đã hỗ trợ cho hơn 40 hợp tác xã tham gia trao đổi thông tin, mua bán hàng hóa qua nhóm Zalo hợp tác xã Cần Thơ, hỗ trợ đưa nông sản an toàn, sản phẩm có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hay chứng nhận VietGAP hay sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Posmart.vn, Voso, chonongsancantho.vn... Qua đó, từng bước giúp các hợp tác xã chuyển đổi phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đơn cử cho việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, anh Phạm Ngọc Ðá, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa (huyện Phong Ðiền, Cần Thơ) chia sẻ, cùng với việc chế biến sâu, gia tăng chất lượng thành phẩm cho các măt hàng nấm đông trùng hạ thảo, Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa còn sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, kết hợp bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Điều này vừa gia tăng niềm tin với khách hàng, vừa giúp hợp tác xã nâng cao hiệu quả kinh doanh. Hiện các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo Giọt Phù Sa được bán rộng rãi ở các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, sản phẩm cũng được bán qua các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Posmart.vn… Qua đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Hợp tác xã , góp phần ổn định thu nhập cho hơn 20 lao động làm việc tại Hợp tác xã với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Nguyễn Ðức Phương, việc đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số, ứng dụng công nghệ, truy xuất thông tin nguồn gốc sản phẩm đã giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác gia tăng giá trị và thương hiệu nông sản, hàng hóa trên thị trường. Song, để các hợp tác xã có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý trong kinh doanh, Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố tổ chức nhiều chương trình tập huấn, nhằm giúp các hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, giúp các hợp tác xã tiếp cận và ứng dụng có hiệu quả các giải pháp số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường trong bối cảnh mới.