Mở hướng cho tư nhân kinh doanh trạm nghỉ đường bộ

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang mời gọi tư nhân đầu tư kinh doanh các trạm dừng nghỉ đường bộ, với nhiều ưu tiên về quy hoạch, chính sách ưu đãi về đất, dịch vụ…

Đầu tư lớn nhưng vắng khách

 

Ba trạm dừng nghỉ đường bộ thí điểm do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ đầu tư từ năm 2009 đến nay được giao cho các địa phương quản lý hoạt động hiện rất “nhếch nhác” và gần như không có xe vào nghỉ.


Trạm dừng nghỉ Ninh Bình do JICA đầu tư chưa phát huy được hết công năng. Ảnh: Lê Phú

 

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, 3 trạm dừng nghỉ này, trị giá hàng chục tỷ đồng/trạm, gồm: Trạm Tân Lạc tại km102 - quốc lộ (QL) 6 qua huyện Mường Khến (Hòa Bình), Trạm Song Khê tại km120 - QL1 qua huyện Yên Dũng (Bắc Giang), Trạm Ninh Bình tại km267 - QL1 qua thành phố Ninh Bình hiện rất đìu hiu, vắng khách.


Trạm nghỉ Tân Lạc rộng hơn 5.000 m2, được đầu tư đầy đủ bến xe, khu ăn uống, nhà nghỉ, cây xăng, dịch vụ hàng hóa, kho bãi… theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT, nhưng sau gần 4 năm đi vào hoạt động đã không đáp ứng được các nhu cầu của xã hội về các dịch vụ kỹ thuật đối với phương tiện, nên ngày càng vắng khách và đang xuống cấp nghiêm trọng. Trạm hiện chỉ còn 3 nhân viên thuộc Công ty Cổ phần 26/3 thuộc Sở GTVT Hòa Bình làm việc “lay lắt”. Các trạm Ninh Bình, Bắc Giang cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo ghi nhận, bình quân lượng khách ra vào mỗi trạm chưa đến 50 khách/ngày, thậm chí khách đến chỉ để đi vệ sinh. Còn ban đêm, ô tô vào trạm chỉ để gửi xe rồi đi chỗ khác ăn uống...


Theo tìm hiểu của phóng viên, nhu cầu sử dụng các trạm dừng nghỉ hiện nay rất lớn. Cả nước hiện có khoảng 280.000 km đường, với hơn 17.000 km QL, trong khi dọc các tuyến QL hầu như chỉ có các quán ăn tư nhân dọc đường, các trạm cấp xăng dầu nằm độc lập.


Theo các chuyên gia giao thông, những điểm bất hợp lý về vị trí, quản lý và dịch vụ đã khiến các trạm rơi vào tình trạng lãng phí hiện nay. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Trạm dừng nghỉ để phục vụ vận tải khách đường dài, tuyến cố định, nên tiêu chí đầu tiên phải phù hợp với tuyến đường và đáp ứng các điều kiện cần thiết của khách. Song thực tế, các trạm trên đều nằm ở vị trí không phù hợp, chất lượng dịch vụ, phục vụ theo cơ chế quản lý nhà nước nên không linh hoạt và khó thu hút được khách. Bên cạnh đó, hiện có quá nhiều điểm nghỉ tự phát của tư nhân trên các tuyến QL… nên cạnh tranh về thu hút khách rất lớn.


Cần cơ chế, chính sách phù hợp


Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Đối với những trạm đã hoàn thành có thể xem xét cho tư nhân đấu thầu khai thác lại để phục vụ tốt hơn. Đối với những trạm chưa triển khai, cần chú trọng đến vị trí xây dựng để thu hút được các tuyến xe.


Theo các chuyên gia giao thông, trạm dừng nghỉ tại nhiều quốc gia được xây dựng nhằm bảo đảm cho các phương tiện vận tải luôn được an toàn, chủ yếu để lái xe nghỉ ngơi, kiểm tra phương tiện, nhưng ở Việt Nam hiện nay, các tiêu chí này chưa được chú trọng.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết: Trạm dừng nghỉ là một phần của kết cấu hạ tầng. Song, qua thực tế cho thấy, nên cho tư nhân đầu tư quản lý kinh doanh để đạt hiệu quả cao. Các doanh nghiệp lớn chạy xe trên tuyến nên tham gia xây dựng trạm dừng nghỉ. Bên cạnh đó, vai trò của nhà nước là công bố quy hoạch, ban hành quy chuẩn quốc gia, các chính sách ưu đãi… phù hợp để các trạm dừng nghỉ phát triển hiệu quả.


Theo kế hoạch xã hội hóa thu hút tư nhân đầu tư kinh doanh xây dựng trạm dừng nghỉ đến năm 2020, Bộ GTVT sẽ xây dựng 48 trạm dừng nghỉ, với tổng diện tích gần 829.000 m2, theo quy chuẩn quốc gia. Bộ GTVT đang trình Chính phủ phương án miễn thuế đất với những diện tích dành cho dịch vụ công cộng không thu phí như bãi đỗ xe, chỗ nghỉ ngơi công cộng, khu vệ sinh. Việc miễn giảm thuế cũng sẽ được Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất với các địa phương. Dự kiến, trong tháng 9 này, Bộ sẽ công bố quy hoạch, chính sách ưu đãi về đất, dịch vụ, cung cấp các bản thiết kế mẫu...


Theo quy hoạch, trạm dừng nghỉ loại 1 tối thiểu rộng 10.000 m2 trở lên, trạm loại 2 từ 5.000 m2 trở lên. Trên QL chỉ đầu tư trạm loại 1 và 2, do đó giải quyết được vấn đề đất có tính chất quyết định. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng: Các địa phương cần phải dành quỹ đất cho xây dựng trạm dừng nghỉ, vì đây là trách nhiệm của địa phương gắn với thực thi Luật Giao thông đường bộ và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

 

Theo Quy hoạch hệ thống trạm nghỉ trên QL đến năm 2020, đến năm 2015 sẽ xây dựng khoảng 20 - 25 trạm trên QL1 và khoảng 30 - 40 trạm trên các QL khác. Giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thiện 100% số trạm dừng nghỉ trên QL1, nhằm đảm bảo ít nhất mỗi tỉnh có một trạm dừng nghỉ và có khoảng 50 - 60 trạm trên các QL khác.


Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN