Mô hình "ruộng lúa - bờ hoa". Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Sau một thời gian triển khai, áp dụng mô hình này hiệu quả rõ rệt, thể hiện qua việc sâu bệnh giảm hẳn, từ đó hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù vậy, mô hình này chưa thể nhân rộng được do gặp phải một số khó khăn.
Mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai thí điểm tại cánh đồng lúa đội 3 của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Nhứt trong vụ mùa 2011 và vụ đông xuân 2011-2012.
Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, xung quanh khu ruộng rộng 10 ha, bà con xã viên đã trồng rất nhiều cây hoa đủ loại. Khi cây ra hoa sẽ tạo môi trường sống hấp dẫn các loài ong, côn trùng. Chúng sẽ tìm đến hút mật và phấn hoa, sau đó nhiều loài sẽ đẻ trứng trên ruộng lúa và tấn công các loài sâu hại, nhờ đó nông dân hầu như không phải sử dụng thuốc trừ sâu.
Chị Nguyễn Thị Tô, xã viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Nhứt cho biết: “Trước đây khi áp dụng mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” gia đình tôi chỉ phải phun mỗi vụ đúng một lần thuốc diệt cỏ, chứ không phải tốn một đồng tiền thuốc trừ sâu nào, mà ruộng lúa của tôi vẫn xanh tốt, nặng bông”.
Theo tính toán của chị những năm áp dụng mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” mỗi vụ gia đình chị tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng/1ha tiền thuốc trừ sâu. Những thứ hoa dại được trồng trên các bờ ruộng, kênh mương nội đồng không chỉ đẹp, mà còn dẫn dụ côn trùng rất tốt và đặc biệt là “khắc tinh” của loài chuột. Mùi hương của hoa trâm ổi làm loài chuột rất khó chịu, nên chúng không đám đến gần. Rất nhiều loài côn trùng thích ăn mật hoa và phấn hoa vì có nhiều chất đường, protein...
Theo cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, qua thời gian theo dõi việc áp dụng mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Nhứt, cho thấy mô hình ruộng lúa bờ hoa mang lại hiệu quả rất lớn, tạo được một hệ sinh thái ruộng lúa khỏe mạnh, cân bằng, làm mật độ nhóm bắt mồi, bọ xít mù xanh, nhóm ký sinh ở mô hình luôn duy trì ở mức cao hơn hẳn so với ruộng lúa đối chứng, mật độ rầy nâu, sâu bọ giảm đáng kể.
Hiệu quả thấy rõ là vậy, tuy nhiên hiện nay mô hình này đã phải dừng hẳn không triển khai thêm được diện tích nào của Hợp tác xã cũng như các địa phương khác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Nhứt cho biết, sau khi triển khai mô hình thí điểm, hiệu quả của mô hình rất rõ rệt, ý định của Ban quản trị hợp tác xã chúng tôi là sẽ nhân rộng mô hình này ra 222 ha diện tích ruộng lúa của toàn hợp tác xã.
Tuy nhiên, do thiếu nước tưới trong các vụ Đông Xuân, thiếu vốn đầu tư các giống hoa, cùng với việc không có ý thức bảo vệ chung của người dân, để cho gia súc dẫm đạp lên hoa ở các bờ ruộng, cộng với thói quen sản xuất của bà con… đã khiến mô hình này “chết yểu” sau 2 năm đưa vào áp dụng thí điểm.
Ông Huỳnh Trung Thành cũng cho biết thêm, do hiện nay hợp tác xã đang triển khai mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình này của hợp tác xã đã được chứng nhận từ năm 2016, nên việc áp dụng mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” là rất phù hợp với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nên hướng sắp tới hợp tác xã sẽ khôi phục lại mô hình này và đầu tiên sẽ chọn những vùng đang sản xuất lúa theo hướng VietGAP và những vùng gần kênh mương dẫn nước, để thuận tiện cho việc chăm sóc hoa.
Cùng với đó, trong tương lai hợp tác xã cũng sẽ vận động bà con xã viên tiếp tục tiến hành trồng đại trà trên các bờ ruộng của toàn hợp tác xã nhằm tạo cảnh quan thiên nhiên, hạn chế sâu rầy tấn công ruộng lúa. Để làm được điều này, hợp tác xã sẽ tiến hành vận động bà con xã viên có ý thức hơn trong việc chăm sóc bờ hoa của mỗi hộ, bởi với hiệu quả đã thấy khi áp dụng mô hình này người dân sẽ có lợi, không những tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật mà còn bảo vệ sức khỏe của người nông dân khi tham gia sản xuất trên các cánh đồng.
Còn về phía ngành nông nghiệp tỉnh, bà Trần Thị Hiến, Phó Chi Cục Trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, khi áp dụng mô hình này, sâu bệnh tấn công trên cây lúa giảm rõ rệt, nông dân không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ sâu trên đồng ruộng, nhờ thế sức khỏe của người nông dân cũng được đảm bảo. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí hỗ trợ nên ngành nông nghiệp tỉnh chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm, không triển khai được rộng rãi.