Miền đất hứa của nhiều ngư dân

Với 4 cửa biển lớn là Gành Hào, Chùa Phật, Cái Cùng và Nhà Mát, từ lâu biển đã ban tặng cho ngư dân Bạc Liêu nhiều nguồn lợi quý giá,góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bạc Liêu là một trong 28 tỉnh, thành phố trong cả nước có tiềm năng lớn về kinh tế biển như: Vùng đất có mặt nước ven biển là 102,22 km vuông; bờ biển dài 56 km; vùng đặc quyền kinh tế biển rộng 20.742 km vuông cho trữ lượng khai thác thủy hải sản khá dồi dào... Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các cửa biển nối với tuyến đường Quốc lộ 1A ngắn, thuận tiện trong giao thương hàng hóa.

Với 4 cửa biển lớn, ngoài nguồn con giống thủy sản cho giá trị kinh tế cao như nghêu, sò, cua biển, cá kèo... biển Bạc Liêu còn được ví như “cái nôi” của nhiều loại thủy sản giàu về sản lượng và chủng loại. Chỉ tính riêng lượng cá đáy, cá nổi khai thác đạt 250.000 - 300.000 tấn/năm. Đặc biệt, với hơn 660 loài cá, 30 loài tôm biển, Bạc Liêu trở thành miền đất hứa cho nhiều ngư dân đánh bắt, khai thác, làm giàu từ biển.

Diêm dân huyện Đông Hải thu hoạch muối. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Cùng với nguồn lợi thủy sản, hệ thống rừng ngập mặn và bãi bồi cũng được xếp vào nhóm tài nguyên khá đặc thù ở Bạc Liêu. Hệ thống bãi bồi đã góp phần làm phong phú thêm các nguồn lợi gần bờ gắn với nhiều mô hình phát triển dưới tán rừng như tôm - rừng, tôm - cua, cá kèo - sò huyết, ốc len…

Những năm qua, Bạc Liêu thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển. Trong đó, địa phương huy động các nguồn lực của toàn xã hội từng bước xây dựng và hình thành đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Đến nay, địa phương có hơn 1.250 tàu đăng ký, đăng kiểm; tổng số thuyền viên là hơn 7.100 người, trong đó tàu cá đánh bắt xa bờ là hơn 500 tàu và hơn 30 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Phần lớn tàu đánh bắt xa bờ được đầu tư khá hiện đại, trang bị máy định vị vệ tinh, hệ thống thông tin liên lạc đường dài để nâng cao hiệu quả đánh bắt, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau trong hoạn nạn…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải Nguyễn Trường Hận - địa phương có lượng tàu đánh bắt trên biển lớn nhất tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình liên kết sản xuất trên biển đang phát triển nhanh ở Bạc Liêu. H iện toàn tỉnh có hơn 50 tổ, với hơn 330 tàu và trên 2.500 ngư phủ hoạt động theo mô hình liên kết sản xuất. V ới mô hình này, chi phí sản xuất giảm, khai thác đạt hiệu quả khá, sản lượng tăng do thời gian bám biển dài ngày, ngư dân quanh năm có mặt trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tỉnh Bạc Liêu xác định, để kinh tế biển phát triển bền vững, địa phương đã và đang đẩy mạnh đầu tư kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng; các công trình, dự án phụ trợ; công tác hậu cần, chế biến, xuất khẩu...
Địa phương đã kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình, dự án động lực làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực ven biển nói riêng. Theo đó, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án nhà máy phong điện từ cửa biển Cái Cùng - Đông Hải với tổng mức đầu tư dự kiến là 2 tỷ USD. Tỉnh đã quy hoạch hoàn chỉnh hồ sơ Khu kinh tế Gành Hào đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng cá Gành Hào giai đoạn I, sản lượng qua cảng đạt 54.000 tấn/năm, số lượng tàu ra vào đạt 170 lượt/ngày . Bạc Liêu đang triển khai công tác chuẩn bị Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp mở rộng cảng cá Gành Hào đạt quy mô cảng cá loại I vào năm 2018; đầu tư 12 xưởng cơ khí chuyên sửa máy tàu và một số cơ sở sửa chữa, đóng ghe thuyền nhỏ; 2 chợ cá và các vựa thu mua cá, trạm xăng dầu, các cửa hàng mua bán ngư lưới cụ, vật tư nghề cá... cơ bản đáp ứng được công tác hậu cần dịch vụ nghề cá.

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, địa phương quan tâm đầu tư k ết cấu hạ tầng giao thông, lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Cụ thể, hoạt động dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn vùng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin trong và ngoài nước; các dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp với cảng cá, bến cá đã và đang được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, địa phương đã đưa vào sử dụng 3 trạm đèn tín hiệu báo bão ven biển tại cửa biển Nhà Mát, Cái Cùng và Gành Hào nhằm phục vụ tốt cho tàu đánh bắt gần bờ khi có áp thấp nhiệt đới hay có bão xuất hiện.

Tỉnh cũng quan tâm đầu tư xây dựng khu dân cư, dự án tái định cư rừng phòng hộ để di dời, sắp xếp tái định cư cho hơn 900 hộ dân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ xung yếu ven biển, khu vực ngoài đê biển... nhằm từng bước sắp xếp cho người dân ven biển có chỗ ở ổn định.

Trong chiến lược quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Bạc Liêu tiếp tục xác định phát triển kinh kế nông nghiệp là lĩnh vực chủ lực, trong đó thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, khuyến khích ngư dân ra khơi đánh bắt, làm giàu từ biển.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến cho biết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển Đông, hải đảo. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, thăm dò khai thác và chế biến dầu khí trên địa bàn tỉnh, khu vực thềm lục địa ven biển của tỉnh Bạc Liêu; khảo sát, đánh giá sản lượng, chất lượng cá biển và đề xuất các biện pháp quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên này...

Bạc Liêu cũng tập trung xây dựng các cụm kinh tế và khu dân cư đô thị ven biển theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển mạnh du lịch biển và vùng ven biển; đồng thời tận dụng tối đa lợi thế sông nước, rừng, biển gắn với đầu tư phát triển hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc... phục vụ sản xuất, phát triển du lịch và nâng cao đời sống nhân dân.

Thời gian tới, Bạc Liêu cũng đưa vào khai thác có hiệu quả 63.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; h oàn thành việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh 20.000 ha; q uy hoạch vùng nuôi các loại thủy sản có giá trị khác như cá kèo, nghêu, sò; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nâng cấp, phát triển mới các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; thực hiện tốt bảo quản sau thu hoạch...

Với các giải pháp trên, Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2020 tổng sản lượng thủy sản thu đạt 370.000 tấn , trong đó tôm đạt 147.000 tấn, cá và thủy sản khác đạt 223.000 tấn ; định hướng đến năm 2030 đạt 450.000 tấn, trong đó tôm đạt 200.000 tấn, cá và thủy sản khác đạt 250.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 785 triệu USD vào năm 2020.

Huỳnh Sử (TTXVN)
Bạc Liêu đón hơn 1,2 triệu lượt du khách năm 2016
Bạc Liêu đón hơn 1,2 triệu lượt du khách năm 2016

Năm 2016, Bạc Liêu đón hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch tới tham quan, đạt 100% kế hoạch; trong đó có 38.000 lượt khách quốc tế, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN