Lương tăng nhưng không còn cảnh 'tát nước theo mưa'

Sau gần 3 tuần điều chỉnh (từ 1/7) tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nhưng về cơ bản mặt bằng giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống trên thị trường Hà Nội vẫn giữ ở mức ổn định.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đợt tăng lương lần này là tăng cho công chức, không có hiện tượng bù chi phí vào giá hàng hóa, nên giá cả hàng hóa ổn định, không có nhiều biến động, nhất là không còn cảnh "tát nước theo mưa" mỗi khi tăng lương.

Giá cả ổn định

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố như chợ Hôm - Đức Viên, Nguyễn Cao, Hàng Bè, Nguyễn Công Trứ, Thành Công… giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau xanh vẫn giữ ở mức ổn định, không thay đổi so với trước khi lương cơ sở tăng. Cụ thể, rau muống, rau cải, mồng tơi, rau ngót có giá 5.000 đồng/mớ; bắp cải 8.000 đồng/kg… Thịt bò từ 240.000 - 280.000 đồng/kg, thịt lợn từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, tôm lớt 220.000 đồng/kg, mực ống 150.000 đồng/kg, cá trắm đen 230.000 đồng/kg, cua đồng 150.000 đồng/kg, cá rô phi 45.000 đồng/kg , ếch 70.000 đồng/kg,…

Khách chọn mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Riêng có mặt hàng thịt lợn rục rịch tăng giá nhưng cũng chỉ khoảng 20%. Chỉ trong vòng một tuần gần đây, giá lợn đã tăng vọt khiến người chăn nuôi vừa mừng vừa lo. Mức giá lợn hơi bán xuất chuồng nhảy vọt từ mức chỉ khoảng 22.000 -23.000đồng/kg lên khoảng 36.000 đồng/kg, thậm chí lợn "đẹp" còn có giá trên 40.000 đồng/kg.

Hỏi thăm một số tiểu thương đều cho rằng, thời buổi khó khăn, người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu nên chỉ mua đủ dùng những mặt hàng thiết yếu hàng ngày, nếu tăng giá sẽ khó bán được hàng. Bác Mai Thanh Hà (phố Huế, phương Hàng Bài) cho biết, ban đầu cũng không khỏi lo ngại lương cơ sở được Quốc hội điều chỉnh tăng sẽ khiến giá cả thị trường “leo thang”. Nhưng qua gần ba tuần, giá các mặt hàng vẫn ổn định, thậm chí giá các loại rau xanh còn khá rẻ so với những đợt thời tiết bất thường. Chỉ có thịt lợn là tăng nhẹ nhưng chưa về mức giá trước khi thịt lợn khó tiêu thụ.

Trong khi đó, tại các siêu thị như Big C, Co.opmart, Hapro, Intimex, Fivimart... giá các loại thực phẩm càng ổn định hơn. Thậm chí, những siêu thị như Big C, Co.opmart thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mại lớn với mức giảm giá đến 50% đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đồ gia dụng, các loại thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống… giúp các bà nội trợ tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại Big C Việt Nam cho biết, bên cạnh các chương trình khuyến mại, hệ thống siêu thị Big C còn triển khai chương trình “Giá rẻ mỗi ngày”. Đây là chương trình đặc biệt của Big C, được thực hiện thường xuyên với hơn 30 loại sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm.

Không chủ quan, bám sát thị trường

Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình giá cả thị trường tương đối ổn định không xảy ra tình trạng thiếu hàng hay tăng giá đột biến và lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành giá cả. Dự báo, trong những tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi rõ nét, giá hàng hóa có xu hướng phục hồi, tổng cầu của nền kinh tế từng bước được cải thiện… Tuy nhiên, tình hình giá cả sẽ không có nhiều biến động lớn. Giá lương thực và thực phẩm có thể tăng nhẹ nhưng không nhiều.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ khó có biến động lớn về giá cả trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống như gạo, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc chữa bệnh, điện, nước, xăng dầu…

Phân tích về khả năng ảnh hưởng của đợt điều chỉnh lương lần này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng “tát nước theo mưa” thường xảy ra khi thiếu hàng, nên các tiểu thương thường tìm cách găm hàng, đẩy giá. Người tiêu dùng lo lắng nên dù đắt cũng phải cố mua để phòng hàng bị đẩy giá cao hơn. Còn hiện nay, các đợt tăng lương không liên tục như trước, mức tăng cũng chỉ khoảng từ 5 - 7%, tác động không đáng kể đến chỉ số giá. Trong khi, hàng hóa rất dồi dào, phong phú, nhưng sức mua lại thấp, nên các tiểu thương cũng phải nhìn vào sức mua mà giữ khách.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, trong chừng mực nào đó, hiện tượng tăng lương là tăng giá vẫn có thể xảy ra ở một vài nơi, vì vậy không chủ quan và để hạn chế, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng, đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra để chống hiện tượng làm nhiễu thông tin, gây sức ép tâm lý.

Các ngành chức năng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu việc tăng lương này trên diện hẹp không gây ảnh hưởng lên thị trường giá cả; đồng thời, sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện những kẻ đầu cơ làm rối thông tin, gây hoang mang tâm lý cho người tiêu dùng để trục lợi.

P.A (TTXVN)
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 1/7
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 1/7

Theo Nghị định 76/2017/NĐ-CP điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 1/7/2017, tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2017 đối với 8 đối tượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN