Luật Hỗ trợ DNNVV đã có hiệu lực được gần một năm, nhưng nhiều địa phương và DN đánh giá hiệu quả hỗ trợ chưa cao, quan điểm ông về vấn đề này như thế nào?
Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua từ năm 2017, ngay từ trước khi Luật có hiệu lực, Cục đã chuẩn bị phổ biến, triển khai thông tin liên quan hỗ trợ DN. Sau đó, khi Luật có hiệu lực, Cục cũng trình Chính phủ ban hành các Nghị định, Chỉ thị liên quan đến nội dung này.
Đối với phản ánh của các Hiệp hội và DN về việc chính sách đi vào cuộc sống hay chưa, trong Luậtđã cố gắng giải quyết hai nội dung:
Thứ nhất là nhóm các phương pháp hỗ trợ mang tính phổ cập dành cho tất cả DNNVV, tuy nhiên tùy thuộc vào từng điều kiện ngân sách, khả năng từng cơ quan chủ trì nội dung đó để lựa chọn số lượng DNNVV được hỗ trợ thông qua nội dung này.
Thứ 2 là nội dung hỗ trợ trọng tâm. Có 3 nhóm DNNVV cần được hỗ trợ trọng tâm, gồm: Chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN; DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; DN tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Có nhiều vấn đề đặt ra làm thế nào để đưa chính sách vào cuộc sống. Về phía góc độ cơ quan bộ ngành, Cục có vai trò quan trọng trong phổ biến pháp luật, làm sao để các thông tin được phổ biến, quán triệt đến tất cả các bộ ngành, tổ chức hiệp hội, chính quyền địa phương, cũng như toàn thể DN.
Mặt khác, bản thân các DN cũng phải xác định rõ nhu cầu cần hỗ trợ, tránh yêu cầu chung chung.
Ngoài ra, những vấn đề khác như cơ quan bộ ngành cần đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đóng vai trò đầu mối và cố gắng phối hợp đẩy mạnh tiến độ ban hành, triển khai chính sách kịp thời, trên cơ sở đó thì DNNVV có thể tiếp nhận chính sách này.
Nhiều địa phương, DN phản ánh đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ gì về thuế, phí… theo tinh thần của Luật hỗ trợ DNNVV?
Thông qua các hội thảo họp với địa phương, bộ ngành, có 7 nhóm vấn đề vướng mắc của các địa phương và DN trong quá trình triển khai luật như: Hỗ trợ thuế và kế toán, đào tạo và tư vấn, nguồn lực triển khai...
Chính sách đầu tiên được nhiều địa phương, DN nhắc đến nhất là hỗ trợ thuế và kế toán. Luật hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ 1/1/2018 cho đến nay, các sở ban ngành và DN gặp nhiều vấn đề, chưa được hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, trong Luật hỗ trợ DNNVV chỉ được phép điều chỉnh đối tượng để tiếp nhận ưu đãi. Còn vấn đề ưu đãi như thế nào, mức thuế suất ra sao, thủ tục hành chính thực hiện chỉ được phép quy định pháp luật về thuế.
Liên quan đến tiến trình xây dựng triển khai, sửa đổi các luật về thuế, thì đến 2019 chưa có chương trình về Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, nên vấn đề này đáng quan ngại. Việc này cũng dẫn đến các DN chưa được hưởng các ưu đãi về thuế và một loạt ưu đãi thuế suất ở các lĩnh vực liên quan, ít nhất là trong 2018 – 2019.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN còn nhiều vướng mắc, thưa ông?
Theo phản ánh hộ kinh doanh, họ chưa có động lực đăng ký chuyển đổi thành DN, tức là họ chưa hiểu được ưu đãi dành cho họ trong khi thủ tục phức tạp và chuyển đổi lên DN, họ sẽ phải bố trí nguồn lực nhất định để đáp ứng yêu cầu.
Một số địa phương dẫn chiếu trường hợp các hộ kinh doanh rất lớn, có thể trên dưới 100 lao động hoặc quy mô hàng chục tỷ/năm. Đối với các thực thể kinh doanh giống nhau trong ngành nghề giống nhau thì có khung pháp lý áp dụng giống nhau, không thể để hộ kinh doanh có 100 lao động mà không phải tuân theo khung pháp lý dành cho DN có 20 - 30 lao động.
Như vậy, ngoài vấn đề ưu đãi cho các hộ kinh doanh, nếu xét quy mô hộ kinh doanh hiện tại có trên dưới 4,7 triệu hộ, thì đó là số lượng kinh phí khổng lồ. Ngoài ra, cũng phải xem xét hộ kinh doanh nào có mức độ kinh doanh lớn có thể chuyển đổi thành DN, từ đó họ có thể có điều kiện thuận lợi hơn trong môi trường kinh doanh.
Ngoài ra, còn có khó khăn của DN đổi mới sáng tạo, đối tượng Đảng và Nhà nước dành nhiều chính sách quan tâm phát triển. Đây là khu vực DN nhiều tiềm năng ở nhiều ngành khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh 4.0 thì càng cần thiết. Nhiều địa phương cũng chưa xác định được thế nào là DN đổi mới sáng tạo và quy trình hỗ trợ. Đây là vấn đề mới, Luật đặt ra khung chung, vì vậy dựa trên luật đó, các địa phương cân đối có thể chọn hình thức hỗ trợ phù hợp nhất.
Trân trọng cảm ơn ông!