Cụ thể, tổng diện tích lúa gieo sạ năm 2024 của Long An đạt gần 533.000 ha, tăng gần 16.500 ha so với cùng kỳ năm trước; năng suất thu hoạch đạt gần 5,9 tấn/ha; sản lượng đạt trên 3,1 triệu tấn, tăng gần 50.000 tấn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với chỉ tiêu 2,95 triệu tấn của ngành nông nghiệp Long An; trong đó, riêng lúa chất lượng cao đạt trên 2,2 triệu tấn. Tình hình tiêu thụ lúa cũng tương đối thuận lợi, giá bán dù thấp hơn so với năm trước nhưng vẫn ở mức khá cao, dao động từ 7.000 - 8.100 đồng/kg và đang có biến động tăng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, ông Nguyễn Thanh Truyền, việc sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn hiện nay khá ổn định, đạt nhiều kết quả tích cực. Người dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là qua tập huấn chuyển giao, thực tế các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát được dịch hại, giảm chi phí đầu vào góp phần thắng lợi cho sản xuất; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận ngày càng cao góp phần nâng cao phẩm chất lúa hàng hóa. Đồng thời, giá vật tư nông nghiệp có chiều hướng giảm, giá nông sản đang ở mức cao, nhiều nông sản được mùa nên nông dân có lợi nhuận khá.
Ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm, vụ Đông Xuân 2024-2025, Long An đặt chỉ tiêu gieo sạ gần 225.000ha; phấn đấu năng suất đạt 6,65 tấn/ha, sản lượng đạt gần 1,5 triệu tấn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ để hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng,...; tổ chức bố trí thời vụ sản xuất lúa bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, căn cứ thời gian, mật độ rầy nâu, sâu năn vào đèn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng tiểu vùng, từng cánh đồng một cách đồng loạt; chỉ đạo gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 thích ứng linh hoạt hợp lý với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ, vùng bị tác động xâm nhập mặn theo khung lịch thời vụ gieo sạ chung cho toàn tỉnh.
Đồng thời, tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, rà soát và thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, các bản tin nông vụ, dự báo tình hình sản xuất tiêu thụ lúa gạo; chủ động kiểm tra thực tế tình hình sinh vật gây hại cây trồng tại các giai đoạn quyết định năng suất để có chỉ đạo kịp thời; tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, Long An tập trung thực hiện tốt các chương trình, dự án trọng tâm nhất là hoàn thành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; thực hiện tốt các giải pháp để thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” trên địa bàn tỉnh Long An với mục tiêu đến năm 2030 hình thành 125.000 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Năm 2024, tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa trên địa bàn diễn biến khá tốt, năng suất và sản lượng lúa đạt cao hơn so với kế hoạch đề ra.