Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, bão số 3 đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi sản xuất lâm nghiệp. Từ rừng trồng đến rừng tự nhiên; rừng sản xuất lẫn rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; từ vườn ươm, đến cánh rừng trồng, rừng nguyên liệu; từ hoạt động phát triển rừng đến bảo vệ rừng đều bị ảnh hưởng. Các địa phương cần đẩy nhanh hoạt động khôi phục, ổn định sản xuất lâm nghiệp, chế biến gỗ và lâm sản.
Về công tác chuẩn bị giống để phát triển rừng, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, các đơn vị cần rà soát lại các nguồn giống, khả năng cung ứng cây giống và nhu cầu sử dụng để lập phương án sản xuất, hỗ trợ cây giống trồng lại rừng. Đồng thời, triển khai ngay việc sản xuất cây giống đảm bảo cung cấp đủ cây giống cho trồng vào vụ Xuân Hè năm 2025.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng nhấn mạnh việc khôi phục sản xuất chế biến lâm sản. Các đơn vị cố gắng đẩy mạnh thu mua cây đổ, gãy của rừng trồng để làm nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ, nhất là sản xuất dăm.
Doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị gỗ nguyên liệu cho chế biến thông qua việc: tăng cường thu mua gỗ rừng trồng ở các địa phương khác; giảm xuất khẩu gỗ nguyên liệu ra; tăng nhập khẩu thêm gỗ nguyên liệu. Các doanh nghiệp chế biến bị ảnh hưởng, thiệt hại phải nhanh chóng có kế hoạch khôi phục sản xuất, không để đứt quãng, đứt chuỗi sản xuất.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh đến các biện pháp kỹ thuật khai thác tận dụng, tận thu, vệ sinh rừng, khoanh nuôi rừng tự nhiên, có giải pháp chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng. Bởi các vật liệu gây cháy sẽ rất lớn, nguy cơ cao gây cháy rừng rất cao.
Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nhiều địa phương còn nguồn tiền từ trồng rừng thay thế lớn. Địa phương cần linh hoạt sử dụng nguồn tiền này để nhanh chóng khôi phục sản xuất lâm nghiệp.
Theo thống kê nhanh của các địa phương, tính đến ngày 23/9, có 13 tỉnh thiệt hại về rừng với 169.588 ha. Diện tích này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt. Trong số đó, có 4 tỉnh, thành phố thiệt hại nặng nhất là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và Hải Phòng.
Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, hiện các địa phương chưa có thống kê chính thức về doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bị thiệt hại. Tuy nhiên, qua trao đổi bằng điện thoại với các địa phương cho thấy cơn bão số 3 chủ yếu gây thiệt hại cho các doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hầu hết doanh nghiệp ván dán, ván thanh, ván bóc tại các tỉnh miền núi phía Bắc có nhà xưởng xây dựng không kiên cố nên khi bão bị tốc mái, sau bão thì lũ lụt sạt lở đất. Ước tính số doanh doanh nghiệp thiệt hại khoảng 200 doanh nghiệp.
Theo ông Triệu Văn Lực, trong thời gian tới lượng gỗ nguyên liệu cung cấp trong ngành chế biến gỗ sẽ chịu những tác động. Bởi, khối lượng gỗ nguyên liệu (gỗ nhỏ) bị thiệt hại do bão làm gãy đổ ước tính khoảng gần 12 triệu m3.
Hiện chi phí khai thác và vận chuyển cây bị đổ gãy khó khăn, giá cao, trong khi giá trị gỗ nguyên liệu từ cây bị đổ gãy giảm. Điển hình, tại tỉnh Bắc Giang, giá gỗ nguyên liệu giảm khoảng 370.000 đồng/tấn so với thời điểm trước khi bão số 3 xảy ra; bình quân các chủ rừng thất thu khoảng 47 triệu đồng/ha.
Với thiệt hại trên, ông Triệu Văn Lực đánh giá, nguy cơ giảm chuỗi cung cấp gỗ nguyên liệu trong những năm tới. Với chu kỳ trồng rừng sản xuất cây sinh trưởng nhanh (từ 5-7 năm), lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước ước sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm, vì các diện tích bị gãy đổ do bão phải trồng lại rừng được 5-7 năm mới khai thác.
Các doanh nghiệp dăm gỗ, ván bóc, ván dán bị thiệt hại tới máy móc, thiết bị, sản phẩm và cơ sở hạ tầng. Ước tính giá trị xuất khẩu dăm gỗ, viên nén và các loại ván năm 2024 có thể giảm khoảng 300 triệu USD.
Là địa phương có diện tích rừng bị thiệt hại lớn nhất, ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh chia sẻ, bình quân mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh chỉ trồng mới được khoảng 13.000 ha rừng tập trung. Nhưng cơn bão số 3 vừa qua gây ra diện tích bị thiệt hại tương đương với 10 năm trồng rừng của địa phương. Như vậy, tỉnh sẽ cần thời gian rất dài để khôi phục lại được rừng.
Để khôi phục sản xuất, ông Triệu Văn Lực cho biết, với rừng trồng thuộc sở hữu của chủ rừng: do chủ rừng quyết định việc khai thác, tận dụng, tận thu, sau khi khai thác, chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.
Đối với rừng trồng sản xuất do nhà nước đại diện chủ sở hữu, rừng phòng hộ là rừng trồng, với những diện tích rừng bị đổ gãy không thể tự phục hồi (tỷ lệ đổ gãy trên 70%) lập hồ sơ để thanh lý theo quy định. Sau khi khai thác, tận thu chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi. Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu những cây bị đổ, gãy. Vệ sinh rừng, phòng chống cháy rừng.