Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2002 trở lại đây. Với tốc độ này, kiểm soát lạm phát cả năm có thể đạt mục tiêu đề ra ở mức dưới 7%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại CPI tăng thấp biểu hiện sức mua của thị trường còn yếu.

 


Tín hiệu mừng


Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK lại cho rằng: Lạm phát tăng thấp không phải là điều lo lắng, ngược lại đây là tín hiệu mừng. Đại diện TCTK cho hay: CPI tháng 6 tăng 0,3% so với tháng 5, tuy cao hơn so với bình quân trong 5 tháng đầu năm nhưng vẫn thuộc loại thấp. 6 tháng đầu năm 2014, CPI tăng tổng cộng 1,38%, thấp nhất so với con số tương ứng của cùng kỳ từ năm 2002 đến nay (bình quân tăng 5,91%). Mức tăng giá trong 6 tháng đầu năm được xem là thấp nhất 13 năm qua.

 

Sức mua vẫn chưa tăng nhiều.Ảnh: Lê Phú


Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá nhận xét: Có nhiều nguyên nhân khiến CPI tăng thấp, nhưng chủ yếu do mức tăng giá của nhiều nhóm hàng quan trọng thời gian qua thấp. Đơn cử trong tháng 6 có nhiều nhóm mặt hàng quan trọng tăng không đáng kể, trong đó có không ít mặt hàng giảm giá, như lương thực (-0,43%), bưu chính viễn thông (-0,13%)... Đặc biệt, tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu hằng ngày là một trong những yếu tố chính khiến CPI 6 tháng đầu năm nay tăng khá thấp so với cùng kỳ các năm trước.


“Vụ đông xuân được mùa trên cả nước nên nguồn cung lương thực dồi dào; giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định; ngành công thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết như một số năm trước đây cũng là những nguyên nhân khiến CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp”, đại diện TCTK giải thích thêm.


Ông Nguyễn Bích Lâm nhận định: CPI năm 2014 sẽ đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội (dưới 7%) nếu không có những biến động lớn trong nước và trên thế giới. Khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá thành sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó cũng có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.


Tăng sức cầu cho nền kinh tế


CPI tăng thấp là tín hiệu tích cực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nó cũng cho thấy thực tế lo ngại là tốc độ tăng tổng cầu của nền kinh tế suy giảm.


Đề cập tới việc lạm phát thấp là điều đáng lo ngại, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho rằng: Giải pháp kích cầu của Nhà nước trong thời gian tới hy vọng sẽ làm tăng giá tiêu dùng lên. Theo quy luật tiêu dùng của người dân, thường những tháng mùa nóng giá cả không tăng nhiều và chỉ tăng mạnh từ tháng 9/2014 trở đi khi nhu cầu tiêu dùng các tháng cuối năm sôi động hơn. Tuy nhiên, với tốc độ tăng CPI thấp thế này thì cũng là yếu tố cần phải xem xét, nhất là về tổng cầu của nền kinh tế.


Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Lê Quốc Phương- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) nhận định: “Tốc độ tăng của CPI 6 tháng đầu năm nay đã đạt thấp là yếu tố quan trọng giúp giá cả hàng hóa ổn định và hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm. Nhưng mặt khác cũng cho thấy, sức cầu còn yếu, nền kinh tế vẫn “trầm lắng”. 5 tháng đầu năm nay, dù mặt bằng lãi suất cho vay các kỳ hạn giảm 0,5% đến 1%/năm nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, chỉ dao động từ 1,1- 1,3% do sức cầu rất yếu. Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra thì những tháng còn lại của năm, mức tăng tín dụng phải đạt từ 10,69- 12,69% là thách thức đối với ngành ngân hàng và nền kinh tế.


Bên cạnh ý kiến cho rằng, kiểm soát lạm phát đang được xem là thành công thì các chuyên gia kinh tế cảnh báo song song với chú trọng các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng thì vẫn không thể lơ là lạm phát. CPI 6 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ trong các năm trước chưa thể gọi là thiểu phát. Cùng với đó, cần đề phòng các biện pháp kích cầu cộng hưởng với việc tăng dư nợ tín dụng dồn vào cuối năm. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng và nguy cơ biến động giá vàng, giá USD trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông sẽ tác động làm tăng lạm phát.

Hiện nay, tăng trưởng tín dụng vẫn yếu hơn nhiều so với tăng trưởng huy động do người dân vẫn chọn việc gửi tiền vào ngân hàng mà không đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Mặt khác, việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp gặp khó khăn do nợ cũ chưa trả chồng lên nợ xấu, khiến tiêu thụ tăng thấp hơn sản xuất và tồn kho vẫn tăng cao hơn sản xuất. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, cần đề phòng các biện phát kiểm soát lạm phát gây “tác dụng phụ” đối với nền kinh tế. Chính sách điều hành phải hợp lý để kiểm soát lạm phát nhưng vẫn kích thích được nền kinh tế tăng trưởng. Đặc biệt, cần chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.


Minh Phương

TP Hồ Chí Minh có sức mua 45.000 tấn vải quả
TP Hồ Chí Minh có sức mua 45.000 tấn vải quả

Theo thông tin từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện nay, lượng trái vải tiêu thụ của 3 chợ đầu mối tăng gấp gần 2 lần so với tuần trước. Dự kiến, năm nay TP có thể tiêu thụ khoảng 45.000 tấn trái vải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN