Làm giàu từ trang trại lợn

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thú y, về mở trang trại nuôi lợn, thu lãi bình quân 300 triệu đồng/năm... là câu chuyện của anh Nguyễn Quý Hào (xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Trong suốt 5 năm qua, Hào vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi các kinh nghiệm làm ăn để nâng cao hiệu quả kinh tế.

 

Thành công nhờ yêu… loài vật


Một ngày bình thường của Hào bắt đầu từ 6 giờ sáng với việc đổ cám vào hệ thống máng tự động cho đàn lợn khoảng 400 con ăn và kết thúc bằng việc đi “thăm” lợn vào khoảng 11 giờ đêm. Hào bảo, “thăm” để biết sức khỏe của đàn lợn, xem có con nào “trở dạ”, có con nào bị ốm và bỏ ăn, con nào “lên giống” để can thiệp kịp thời. Nhiều đêm thức trắng để “đỡ đẻ” cho lợn là công việc thường xuyên với Hào vì tính trung bình, mỗi tháng đàn lợn của anh có từ 15 - 20 con lợn nái đẻ.
Mặc dù thuê 6 người làm nhưng Hào chỉ để họ phụ giúp việc dọn dẹp chuồng trại, vận chuyển lợn lúc xuất bán và một phần việc cho lợn ăn. Còn những việc liên quan đến tiêm vắcxin, điều trị lợn ốm hay “đỡ đẻ” cho lợn, anh đều đích thân đảm nhiệm. Hào bảo: “Mình không yên tâm khi giao những công việc này cho người khác”.


 

Trang trại của anh Hào hiện có trên dưới 400 con lợn.

 

Sinh năm 1983, Hào lớn lên trong gia đình có “truyền thống” chăn nuôi. Năm 2004, xã Thạch Thán quê Hào thực hiện chủ trương chuyển khu chăn nuôi ra cách xa khu dân cư, bố mẹ hỏi Hào - khi đó anh đang theo học chuyên ngành Thú y (Đại học Nông nghiệp I Hà Nội): “Ý con thế nào?”. Không chần chừ, Hào thưa: “Con muốn mở trang trại”. Thế là bố mẹ nhận ngay 4,5 ha đất ở cách khu nhà cũ chừng 3 cây số để gây dựng trang trại. Ngày ngày, đi học về, Hào phụ giúp bố mẹ.


Hào chính thức tiếp quản “cơ ngơi” của bố mẹ vào năm 2007, khi vừa tốt nghiệp Đại học. Khi đó, trang trại của gia đình anh nuôi 40 lợn nái, 200 lợn thịt cùng các loại gia cầm: gà, ngan, ngỗng và có thêm cả ao thả cá. “Tiền lãi thu được hàng năm tôi lại dùng để đầu tư thêm cho trang trại”, Hào kể.


Hiện nay, trang trại của Hào có 3 dãy chuồng với kinh phí đầu tư 3 tỷ đồng. Sau 5 năm, đến nay, quy mô trang trại của anh đã lên 78 con lợn nái, hơn 300 con lợn thịt, chưa kể đàn lợn giống. Có chuyên môn về thú y cộng với kinh nghiệm có được nhờ không ngừng học hỏi, trong 5 năm làm chủ trang trại, hầu như năm nào Hào cũng đưa trang trại “vượt qua” các trận dịch bệnh một cách an toàn.


Năm 2011 là năm đột phá đối với việc chăn nuôi của Hào: Đầu vật nuôi tăng, lãi cao nhất kể từ khi tiếp quản sự nghiệp của bố mẹ. Hào phấn khởi kể: “Trừ hết chi phí, mình thu lãi 600 triệu đồng. Tháng 11 năm đó, mình mua ngay một chiếc ô tô để những đợt phải đi mua lợn giống hoặc tham dự hội thảo về chăn nuôi ở các tỉnh lân cận, mình có thể chủ động được về phương tiện”.


Theo Hào, điều quan trọng nhất giúp làm nên sự nghiệp của anh bây giờ chính là tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc của anh đối với những con vật. Hào kể từ bé, anh đã rất thích chăn nuôi. Sáu tuổi, Hào đã giúp bố mẹ đi chăn vịt sau giờ học. Hào tâm sự: “Ngay cả bây giờ, nhiều lúc rảnh, mình có thể ngồi vài tiếng đồng hồ không chán để ngắm đàn lợn ăn. Nhìn con vật lớn nhanh, khỏe mạnh, mình càng yêu quý và muốn được chăm sóc chúng”. Trừ những ngày phải đi công tác xa, Hào nhẩm tính, mỗi ngày, anh chỉ xa lợn khoảng 6 tiếng - đó là thời gian Hảo… ngủ.

 

Sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm


Sau khi nhận Giải thưởng Lương Định Của (giải thưởng vinh danh những thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi do Trung ương Đoàn trao tặng) năm 2012, Hào và 10 nhà nông trẻ của Hà Nội cùng được nhận giải thưởng này đã bàn việc thành lập một hợp tác xã để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ nhau trong việc tiếp cận nguồn vốn. “Chúng tôi mỗi người một mô hình làm kinh tế và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp với các bạn trẻ”.


Xuất phát từ kinh nghiệm điều hành trang trại chăn nuôi của mình, Hào khẳng định: “Phải có ý chí quyết tâm rất cao, phải yêu nghề thì mới thành công”. Chia sẻ với những khó khăn mà các bạn trẻ hiện nay đang gặp phải trong việc chọn nghề học, chọn việc làm, Hào cho rằng, lập nghiệp với nghề nông, trong đó có nghề chăn nuôi là rất khả thi. “Bạn có thể sống tốt, thậm chí làm giàu bằng nghề chăn nuôi; tuy nhiên, nếu không chịu khó thì không thể làm được”, Hào kết luận.


Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN