Ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết, địa phương nằm về phía nam quốc lộ 1, trong vùng quy hoạch phát triển kinh tế vườn cây ăn quả đặc sản. Sau trận lũ lịch sử năm 2000, các cấp, các ngành đã đầu tư xây dựng hai ô bao ngăn lũ đông và tây sông Ba Rày giúp bảo vệ vườn tược, nhà cửa và các công trình kiến thiết hạ tầng. Đây là điều kiện tốt để xã phát triển diện tích cây sầu riêng trên nền đất lúa kém hiệu quả năm xưa.
Sầu riêng được phân loại trước khi xuất đi các tỉnh, thành trong cả nước. |
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn, ông Nguyễn Văn Mới, thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất, Hội Nông dân phối hợp cùng các ngành hữu quan, trong các năm qua mở hàng trăm cuộc tập huấn, tuyên truyền khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh sầu riêng thu hút hàng nghìn lượt bà con. trong đó chú trọng các khâu: lên líp, mật độ trồng, chọn giống tốt, các giải pháp kỹ thuật thâm canh, xử lý cho trái rải vụ… nhằm giúp nông dân tổ chức sản xuất thành công, hình thành vùng trồng sầu riêng chuyên canh trên qui mô toàn xã.
Chủ trương đúng được nông dân hưởng ứng tích cực trong đó có ông Mười Hiếu, nhà ở ấp 4, xã Cẩm Sơn. Ông đã chuyển đổi khoảng 1 ha đất trồng lúa sang trồng sầu riêng. Đất đai thích hợp với cây trồng mới, bên cạnh đó việc vận dụng kỹ thuật đúng và khoa học, vườn sầu riêng lớn nhanh, sau 4 năm bắt đầu cho trái. Mỗi năm, gia đình ông Mười Hiếu thu hàng tỷ đồng lợi nhuận từ cây sầu riêng. Từ chỗ cuộc sống khó khăn, quanh năm chạy vạy lo toan cơm áo, ông Hiếu đã trở thành tỷ phú.
"Hiện nay, khu vực ấp 4 phần đông nhà cửa bà con đều xây cất kiên cố, khang trang. Người dân giàu lên sau vài năm gắn bó với cây sầu riêng" - Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Út vui mừng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng ấp 4 cho hay, ấp có tổng diện tích canh tác trên 370 ha. Trước đây, vùng này địa hình bưng trũng, chủ yếu trồng lúa mỗi năm 1 vụ, năng suất bấp bênh, đại bộ phận nông dân nghèo khó. Nhiều hộ dân phải đi làm thuê, làm mướn nơi xa kiếm sống. Việc trồng sầu riêng đã thay đổi cuộc sống của bà con. Với năng suất sầu riêng đạt từ 20 - 30 tấn/ha, mỗi năm, trừ chi phí, nông dân lãi từ 200 - 300 triệu đồng/ ha. Đến nay, toàn bộ diện tích đất canh tác của ấp 4 cơ bản chuyển sang trồng sầu riêng. Trong năm qua có nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, thu nhập cao từ cây trồng đặc sản như Huỳnh Văn On, Nguyễn Văn Cẩn, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Văn Lập,…
Hiện xã Cẩm Sơn có 4 ấp với gần 1.000 ha đất canh tác đã cơ bản trồng sầu riêng. Sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 20.000 tấn quả cung ứng cho thị trường trong ngoài nước. Theo ông Nguyễn Văn Mới, chính nhờ vào việc hình thành vùng trồng sầu riêng đã mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội vững chắc cho quê hương.
Ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn đánh giá, hiện nay, thu nhập đầu người toàn xã là 31 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 triệu đồng so với năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 3,41%. Hàng trăm hộ dân từ nghèo khó đã trở thành triệu phú, tỷ phú nông thôn nhờ vào vườn sầu riêng.