Lâm Đồng tổ chức đấu giá 36 mỏ khoáng sản

Tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với 36 điểm mỏ chưa thăm dò, đánh giá trữ lượng, trong đó có 22 mỏ đất san lấp.

Đây là tín hiệu đáng mừng để giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp khiến nhiều công trình trọng điểm tại tỉnh chậm tiến độ như hiện nay.

Cụ thể, theo Thông báo số 01.KHSAN/TB-ĐGTA, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng thông báo ngày 20/2/2025 sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 36 điểm mỏ. Giá khởi điểm của các điểm mỏ chưa có kết quả thăm dò khoáng sản này tạm tính trên 306,2 tỷ đồng. Trong số đó có 22 điểm mỏ đất san lấp, 5 điểm mỏ cát xây dựng, 8 điểm mỏ đá xây dựng và một điểm mỏ đất sét để sản xuất gạch ngói.

Đáng chú ý, mỏ có trữ lượng lớn nhất là mỏ đá xây dựng ở xã Mỹ Đức (huyện Đạ Huoai) dự báo tài nguyên 15,5 triệu m3, giá đấu giá khởi điểm 55,6 tỷ đồng; mỏ đất san lấp tại tổ 13, thị trấn Cát Tiên (huyện Đạ Huoai) có dự báo tài nguyên trên 16 triệu m3, giá khởi điểm 35,6 tỷ đồng; mỏ đá xây dựng tại xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng) dự báo tài nguyên 5,8 triệu m3, giá khởi điểm 21 tỷ đồng; mỏ đá xây dựng tại xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng) dự báo trữ lượng 5,1 triệu m3, giá khởi điểm 18,3 tỷ đồng…

Theo thông báo của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng, những người tham gia đấu thầu phải đặt cọc trước số tiền trị giá 20% giá khởi điểm mỗi mỏ. Tổng số tiền đặt trước của toàn bộ 36 mỏ trên là 61,2 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 21/10/2024, phóng viên TTXVN có bài viết “Lâm Đồng: Khẩn trương giải quyết khó khăn do khan hiếm cát xây dựng và vật liệu san lấp”. Nội dung phản ánh trong tháng 10/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp để tìm giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác, đấu giá khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp, phục vụ các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm của tỉnh.

Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương triển khai giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này.

Ngày 22/11/2024, phóng viên TTXVN tiếp tục có bài viết “Lâm Đồng: Thiếu vật liệu san lấp, nhiều công trình đầu tư công bị đình trệ”. Nội dung phản ánh theo báo cáo đánh giá 10 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một vấn đề nổi cộm trong đó là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 30,1% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 15,7%. Tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh còn chậm so với kế hoạch đề ra. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là thiếu vật liệu san lấp mặt bằng do cơ chế điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, đến ngày 13/1/2025 vẫn chưa có đơn vị, địa phương nào thực hiện được quá trình đấu giá khoáng sản là vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp phục vụ xây dựng. Tình trạng này khiến hầu hết công trình xây dựng, trong đó có các công trình đầu tư công tại tỉnh Lâm Đồng đang bị đình trệ, không thể hoàn thành kế hoạch của năm 2024 và tiếp tục triển khai kế hoạch năm 2025.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Giải quyết dứt điểm khó khăn cung ứng vật liệu xây dựng
Giải quyết dứt điểm khó khăn cung ứng vật liệu xây dựng

Ngày 16/7, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 329/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi họp giải quyết vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN