Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 2012 vẫn là một năm thế giới có nhiều biến động về kinh tế, xã hội. Do vậy tình trạng khủng hoảng việc làm vẫn là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia. Mặc dù vậy, thành quả đạt được của xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam năm 2011 đã làm tiền đề để ngành lao động Việt Nam đưa ra chỉ tiêu đưa 90.000 người lao động đi nước ngoài làm việc trong năm 2012.
Sau sóng gió là kỳ vọng
Vượt chỉ tiêu XKLĐ năm 2011 trong sóng gió thị trường, thị trường XKLĐ nước ta đang hướng tới một năm tươi sáng hơn.
Biến động vẫn vượt chỉ tiêu
Nhìn lại năm 2011, hoạt động XKLĐ dù không thực sự khởi sắc, nhưng ngành lao động đã đưa được 88.300 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 101,5% kế hoạch. Như vậy, ngành lao động đã vượt mục tiêu 87.000 người do Quốc hội đề ra. Trong số này có gần 32.000 lao động được đưa đi là nữ.
Lao động Việt Nam làm việc tại một nhà máy ở Nhật Bản. Ảnh:Hiếu Dũng |
Tuy vậy một số thị trường truyền thống khác của Việt Nam lại có nhu cầu nhận lao động nhiều hơn như Hàn Quốc (15.214 lao động), Malaixia (9.977), Đài Loan (TQ) (38.796), Nhật Bản (6.985). Bên cạnh những thành tích đạt được như vậy thì XKLĐ vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần có cơ chế chính sách giải quyết. Đó là nạn người lao động làm việc ở Hàn Quốc bỏ trốn, nạn lừa đảo người đi XKLĐ để kiếm lợi… vẫn là hiện tượng gây nhức nhối cho năm 2012.
Có thể nói năm 2011 là năm đầy sóng gió với thị trường XKLĐ Việt Nam. Bất ổn chính trị tại châu Phi đã khiến 10.000 lao động đang làm việc tại Libi phải về nước trước thời hạn. Ảnh hưởng của động đất, sóng thần tại Nhật Bản khiến nhiều lao động tại Nhật Bản lao đao. Suy thoái kinh tế thế giới làm nhiều thị trường giảm nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài… Vượt trên những điều đó để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu là một thành công có ý nghĩa rất lớn của ngành lao động.
Mặc dù vậy, một số thị trường truyền thống vẫn được duy trì và phát triển, tiếp nhận một số lượng lớn lao động Việt Nam, góp phần tăng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2011. Một số thị trường có mức tăng trưởng cao như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, đã phối hợp chỉ đạo giải quyết tốt chiến dịch sơ tán và đưa lao động Việt Nam làm việc tại Libi về nước an toàn; xử lý phát sinh để bảo vệ quyền lợi người lao động tại UAE, Hoa Kỳ, Đài Loan, nhất là thị trường Hàn Quốc, qua đó tạo được sự đồng thuận trong xã hội, mang lại niềm tin của người dân nói chung và người lao động nói riêng đối với Đảng và Nhà nước.
Theo như Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thì Bộ cũng đã kiên quyết “chỉ đạo các đơn vị XKLĐ làm thật tốt, thật chặt. Đơn vị nào làm không tốt, không được phép tham gia vào XKLĐ ”.
Vẫn nắm vững thị trường truyền thống
Rất lạc quan, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ,TB&XH cho rằng, năm 2012, XKLĐ Việt Nam đang có những tín hiệu khả quan. Theo đó, hoạt động XKLĐ năm 2012 có một số thuận lợi khi nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia... vẫn tăng trưởng và vẫn có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Lao động đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tại Hà Nội.Ảnh: Hiếu Dũng |
Thị trường Nhật Bản, sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã thỏa thuận tiếp nhận y tá và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản, mở ra một cơ hội mới cho lao động Việt Nam được sang làm việc với ngành nghề có thu nhập cao và khá được coi trọng tại Nhật Bản.
Riêng thị trường Hàn Quốc, năm 2012 cũng dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi. Theo đó, năm 2012, chỉ tiêu lao động Việt Nam sang Hàn Quốc là 15.000 người. Số lao động này đã hoàn tất kỳ kiểm tra tiếng Hàn và đang chờ ngày xuất cảnh.
Phạm Minh Long (Nam Đàn, Nghệ An):
Sẵn sàng quay lại thị trường Libi
Tôi nghĩ trong năm 2012 này XKLĐ của Việt Nam đi các nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Bạn bè chúng tôi và tôi rất vất vả mới được đi XKLĐ sang Libi, năm vừa rồi họ phải về nước trước thời hạn, tuy có được đền bù nhưng nói chung là mất mát nhiều hơn. Tôi đang muốn trở lại làm việc ở Libi nhưng tình hình bên ấy vẫn chưa thấy sáng sủa lắm mặc dù tôi thấy một số người nói là Libi sắp tiếp nhận lao động.
Còn một số thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản thì yêu cầu của họ lại cao hơn so với chúng tôi về tay nghề và cả phải biết tiếng Hàn Quốc. Tôi cũng rất muốn đi lao động tại các thị trường này, vấn đề là làm sao có đủ trình độ tay nghề, biết tiếng và cả tiền nữa. Tất cả đều rất khó đối với chúng tôi.
Ông Lương Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm lao động nước ngoài (Bộ LĐ,TB&XH):
Lao động Việt Nam hay đòi hỏi, so bì
Trước đây lao động Việt Nam thường được chủ sử dụng Hàn Quốc khen chăm chỉ, thông minh, chịu khó nên trong nhiều năm nay, Việt Nam luôn giữ vị trí dẫn đầu trong số 15 quốc gia có tỷ lệ lao động được lựa chọn cao nhất. Tuy nhiên, điểm yếu của lao động Việt Nam là hay đòi hỏi, suy bì. Đặc biệt, thời gian gần đây, lao động Việt Nam sang Hàn Quốc “nhảy” việc tự do, cư trú bất hợp pháp gia tăng nên uy tín của người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều. Đầu năm nay, Việt Nam đã rơi xuống thứ ba và vị trí quán quân của Việt Nam suốt nhiều năm qua đã thuộc về Campuchia.
Đến thời điểm này, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đang cư trú và làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc đã lên tới khoảng 50%. Trong khi chúng ta đã cam kết với phía Hàn Quốc đến tháng 12/2012, tỷ lệ lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp sẽ chỉ còn 27%, bằng tỷ lệ chung của các nước khác. Đây sẽ là một thách thức rất lớn bởi nếu không khắc phục đựợc tình trạng trên, nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc đã rất gần.
Ông Nguyễn Văn Điều, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH tỉnh Thái Bình:
Gia đình, địa phương cũng phải có trách nhiệm với lao động bỏ trốn
Hiện nay nhu cầu sang làm việc tại Hàn Quốc của lao động tỉnh Thái Bình rất lớn, cơ hội cũng nhiều nhưng nguy cơ sẽ bị hạn chế vì tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp ra tăng. Do vậy cần phải chấm dứt ngay tình trạng này. Tới đây chúng tôi sẽ báo cáo với UBND tỉnh để chấn chỉnh, đặc biệt là tập trung công tác tuyên truyền những quyền lợi và cơ hội của người lao động khi về nước đúng hạn và trách nhiệm của gia đình cũng như địa phương trong việc quản lý lao động.
Tôi nghĩ, về phía Cục quản lý lao động cần cung cấp danh sách những lao động bỏ trốn hoặc sắp hết hạn hợp đồng về từng huyện để chúng tôi mời người dân lên UBND xã yêu cầu khuyên con em mình về nước. Bên cạnh đó chính quyền địa phương, gia đình cũng phải có trách nhiệm với con em mình. Phải kiên quyết nếu không sẽ mất thị trường. Còn về Bộ LĐ, TB&XH cũng có những biện pháp “mạnh tay” hơn nữa, với những địa phương có nhiều lao động bỏ trốn, có thể dừng việc tuyển dụng ở địa phương đó. |
Còn với thị trường Malaixia, hiện có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam được phép đưa lao động sang làm việc tại Malaixia và đã có khoảng 200.000 lượt lao động sang làm việc tại nước này. Lao động Việt Nam được giới chủ người Malaixia đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, tiếp thu công việc nhanh. Đây là thị trường lao động cho thu nhập trung bình, không hạn chế số lượng, chi phí thấp phù hợp cho lao động nông thôn có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt, thị trường Libi sau một thời gian tạm ngưng, dự báo trong năm nay sẽ tiếp tục nhận lại các lao động Việt Nam. Dự kiến đến tháng 6/2012, lao động Việt Nam tiếp tục trở lại làm việc tại Libi. "Đây là tin vui đầu năm bởi thị trường này đòi hỏi trình độ tay nghề phù hợp với lao động Việt Nam và có mức lương khá ổn định đồng thời đáp ứng nguyện vọng của đa số lao động vừa từ Li-bi trở về nước trước thời hạn vào đầu năm 2011”, ông Hải cho biết.
Hiện nay, các thị trường lao động ở châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Malaixia vẫn là các thị trường truyền thống của ta. Tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại 4 thị trường này chiếm 40% tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2012 chắc chắn vẫn tiếp tục giữ vững những thị trường truyền thống.
Năm 2012, dự báo nhu cầu tiếp nhận tại các thị trường truyền thống sẽ tăng và một số thị trường tiềm năng mới sẽ được xúc tiến mở rộng. Vì thế, năm nay, Việt Nam đề ra mục tiêu đưa 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy chỉ tăng 5.000 người so với năm 2011 nhưng lại đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của tất cả các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp XKLĐ. |
Để hoàn thành kế hoạch, Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với các đơn vị đề ra các giải pháp đồng bộ. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Bộ đã yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến thị trường ngoài nước, kịp thời đón nhận các hợp đồng tiếp nhận lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn, phù hợp với trình độ của lao động Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục các hoạt động để mở các thị trường mới như Ôxtrâylia, Canađa, Cộng hòa Séc…
Bên cạnh đó, sẽ chú trọng nâng cao năng lực các doanh nghiệp, cơ sở sự nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đầu tư xây dựng một số cơ sở chuyên đào tạo lao động.
Đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ tình hình lao động làm việc ở nước ngoài, bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời xử lý kịp thời những vi phạm kỷ luật của người lao động làm ảnh hưởng đến thị trường, theo dõi hỗ trợ và phát huy khả năng của lực lượng lao động này khi về nước.
Cầm Trang - Lý Hà