Kỳ tích hai tuyến quốc lộ lớn

Quốc lộ (QL)1 và QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) cán đích không tưởng trong năm 2015, sớm hơn dự kiến từ 1 - 1,5 năm, có thể coi là một kỳ tích đi vào lịch sử của ngành giao thông. Hai đại công trình này thực sự tạo động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững cho các địa phương.

Kỳ tích huy động vốn

Được cải tạo từ năm 2000, sau hơn 10 năm khai thác, trước khi đưa vào nâng cấp, mở rộng, QL1, QL14 chỉ có quy mô hai làn xe, mặt đường ngày càng xuống cấp, lưu lượng xe gia tăng đột biến. Thực trạng này khiến hai “mạch máu” giao thông quốc gia thường xuyên ùn tắc trầm trọng và trở thành nỗi ám ảnh giao thông trên tuyến. Vì vậy, năm 2013, Chính phủ đã quyết định khởi công hai dự án lớn là đầu tư mở rộng nâng cấp hai tuyến QL 1 và QL 14.

Đường Hồ Chí Minh dài 133 km đoạn qua Kon Tum - Gia Lai đẹp như dải lụa.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh, QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ gồm 38 dự án, dài hơn 1.342 km và QL14 gồm 11 dự án, dài hơn 419 km. Gần 50 dự án triển khai với khối lượng thi công khổng lồ, nếu đầu tư bằng vốn ODA, thực hiện bởi tư vấn, nhà thầu nước ngoài có thể mất khoảng 5 - 7 năm mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, các dự án này chỉ triển khai trong vòng từ 2 - 3 năm, đồng loạt khởi công từ tháng 12/2013, dự kiến hoàn thành cuối năm 2016, nhưng từ tháng 10 - 12/2015 đã cơ bản hoàn thành toàn tuyến, vượt tiến độ từ 1 - 1,5 năm so với yêu cầu của Chính phủ đặt ra là kỳ tích chưa từng có.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, thành tích về huy động vốn đã đóng vai trò quyết định đối việc đẩy nhanh tiến độ của hai dự án này. Trong bối cảnh rất nhiều dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ vì thiếu vốn, nhưng Bộ GTVT vẫn huy động đủ nguồn lực để hoàn thành các dự án mở rộng QL1, QL14 theo hình thức huy động vốn xã hội hóa BOT (Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kết hợp vốn ngân sách Nhà nước.

Đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Phước dài 117 km.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Ban PPP (Bộ GTVT) cho biết thêm: Hai dự án giao thông trọng điểm này sử dụng nguồn vốn lớn, thu hồi vốn chậm, nên các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Để tìm nguồn cung cấp tín dụng cho các dự án, thời điểm năm 2012, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phải trực tiếp “gõ cửa” nhiều ngân hàng lớn. Từ tháng 1/2013, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tiếp đó là VietinBank đã thống nhất ký kết, cam kết thu xếp vốn cho các nhà đầu tư để triển khai các tiểu dự án thành phần trên 2 tuyến QL1, QL14. Đây được xem đột phá lớn, khai thông vốn từ hệ thống các ngân hàng. Bộ GTVT còn trực tiếp làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ nhiều cơ chế, chính sách đầu tư, nhất là việc hoàn vốn cho dự án. Sự vào cuộc sát sao, luôn đồng hành cùng nhà đầu tư đã tạo niềm tin vững chắc cho các doanh nghiệp đồng thuận đầu tư BOT”.

“Một cơ chế đột phá nữa từ trước nay chưa có tiền lệ là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 979/TTg về tạo cơ chế đặc thù để quản lý và thực hiện dự án QL1, QL14. Trong quyết định này, Thủ tướng đồng ý cho phép Bộ GTVT chỉ định thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức rút gọn, cho phép các công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu được huy động vốn cho dự án BOT vượt quá ba lần vốn điều lệ của công ty, cho phép nâng mức thu phí... Đây là những điểm nhấn quan trọng để thu hút các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án”, ông Nguyễn Viết Huy cho biết.

Nhờ vậy, từ 2013 - 2014, Bộ GTVT đã thu hút được 137.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng theo hình thức BOT, trong đó các dự án mở rộng QL1 là 100.676 tỷ đồng, các dự án mở rộng QL14 là 15.994 tỷ đồng. Đây là hai kỷ lục về vốn đầu tư hạ tầng từ trước đến nay.

Kỳ tích về giải phóng mặt bằng nhanh

Tại hai “siêu” dự án này, mặc dù chủ đầu tư các tiểu dự án đã hỗ trợ chính sách giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ rung nứt nhà dân tới từng hộ bị ảnh hưởng, nhưng không ít hộ dân vẫn gây khó dễ, thậm chí phá hoại công trình, máy móc thi công... khiến nhiều nhà thầu phải “ngậm bồ hòn” bù chi phí, nhất là tại các tiểu dự án qua Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai...

Tổng diện tích đất phải thu hồi để GPMB thực hiện 49 tiểu dự án của hai dự án này là 2.380 ha, thuộc địa phận 22 tỉnh, với hơn 13.000 hộ bị ảnh hưởng. Thời gian đầu triển khai, hiện tượng chống đối tại các địa phương diễn ra phức tạp, với nghìn lẻ những chuyện cản trở đòi “yêu sách” đền bù, hỗ trợ mặt bằng trên các tuyến thi công. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác GPMB từng bước khắc phục được những tồn tại, tiến độ thực hiện nhanh chưa từng thấy đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các dự án sau này.

"Chưa có một dự án giao thông nào nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Trung ương như dự án nâng cấp, mở rộng QL1, QL14, khi có đến ba Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phụ trách hai công trình này. Trong đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giao trực tiếp phụ trách giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo về tiến độ và chất lượng công trình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trực tiếp chỉ đạo vấn đề tài chính. Nhờ cách tiếp cận này mà dự án đã tăng tốc ngay từ những ngày đầu triển khai và hoàn thành vượt tiến độ”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Ông Trần Xuân Sanh chia sẻ: Đây là hai dự án giao thông đầu tiên Chính phủ phân công một Phó Thủ tướng chỉ đạo công tác GPMB. Ngay từ khi bắt đầu triển khai, hàng tháng, hàng quý, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều chủ trì các cuộc họp giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu huy động mọi nguồn lực cho công tác GPMB. Các địa phương triển khai chậm so với kế hoạch đều bị phê bình, nhắc nhở. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần trực tiếp thị sát các điểm “nóng” để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đốc thúc tiến độ GPMB. Những tồn tại ban đầu như một số địa phương lúng túng, làm chậm các thủ tục, tái định cư chậm, công tác bảo vệ mặt bằng thi công kém, quản lý hồ sơ đất đai chưa đạt yêu cầu đều được chỉ rõ, khắc phục kịp thời.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, cho phép các địa phương ứng trước vốn để tập trung GPMB; cho phép hỗ trợ tạm ứng xây dựng các khu tái định cư từ nguồn dự phòng của dự án; chỉ định thầu đối với việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các khu tái định cư... Đây đều là những chính sách chưa từng có trước đó.

Ông Trần Xuân Sanh cho biết thêm: Về phía Bộ GTVT, đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã nhiều lần trực tiếp điện thoại cho lãnh đạo các tỉnh để phối hợp xử lý vướng mắc. Vì thế, những khó khăn trong công tác GPMB được tháo gỡ tức thì, tạo điều kiện để nhà thầu đẩy mạnh thi công. Hình ảnh lãnh đạo các địa phương đi vận động, lắng nghe tâm tư của người dân, trực tiếp ra hiện trường tháo gỡ khó khăn GPMB cho kịp tiến độ, bù tiến độ không còn là chuyện hiếm.

“Sự vào cuộc thể hiện rõ trách nhiệm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương tại hai siêu dự án này có ý nghĩa lớn và mang đến những chuyển biến rõ rệt. Trước năm 2013, công tác GPMB để cải tạo QL1, QL14 phải mất nhiều năm mới hoàn thành. Tuy nhiên, với hai dự án này, khối lượng GPMB khổng lồ đã cơ bản hoàn thành trong năm 2013. Đây là tiền đề quan trọng để rút ngắn tiến độ thi công các dự án sau này”, ông Trần Xuân Sanh cho hay.
Tiến Hiếu
Không nghỉ thi công trên các tuyến QL1, QL14 dịp nghỉ lễ
Không nghỉ thi công trên các tuyến QL1, QL14 dịp nghỉ lễ

Tập trung tăng cường nhân lực, nguồn lực thi công, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt cả trong những ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 để bù phần khối lượng đã bị chậm trễ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN