Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, cho biết: Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ cần hành động cụ thể không chỉ từ Nhà nước, mà các bộ ngành và bản thân người lao động cũng phải hành động. Chính phủ có chính sách ưu tiên doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo và dạy nghề. Kỹ năng đánh giá của người lao động phải đổi mới kể cả đại học và dạy nghề. Đối với người lao động, cần sớm tăng cường nhận thức, có ý thức rèn luyện những kỹ năng mới để đáp ứng được xu thế mới cũng như xác định tâm thế học suốt đời để không bị động trước những biến đổi về công nghệ.
“Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là một hướng để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên hai ngành sản xuất chủ đạo và giải quyết nhiều việc làm của Việt Nam là dệt may - da giày và chế tạo các sản phẩm điện - điện tử sẽ bị tác động sẽ là bài toán khó. Để thích ứng, bên cạnh dự báo chính xác nhu cầu thị trường lao động, thì ưu tiên vẫn là đổi mới đào tạo nghề, kết hợp chuyển đổi ngành nghề”, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), 1 trong 4 chương trình hành động của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (năm 2013) là “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động”. Tổng LĐLĐVN đang vào cuộc cùng các bộ ngành, doanh nghiệp, để tiếp tục thực hiện chương trình này. “Trong thời gian tới, chương trình này cần tăng tốc hơn nữa, đặc biệt là sự phối hợp giữa công đoàn, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề. Về mặt chính sách, trước đây trong Luật Lao động quy định, các doanh nghiệp phải có quỹ đào tạo dự phòng cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ khi mất việc. Sau nhiều lần sửa đổi, chúng ta đã bỏ quy định này. Do đó, cần bổ sung quy định Quỹ đào tạo lại cho người lao động vào Bộ luật Lao động sửa đổi”, ông Mai Đức Chính khẳng định.