Khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Nông dân đang bước vào thời kỳ chăm sóc cây trồng, lúa Xuân đang bước vào giai đoạn cần bón thúc để sinh trưởng, nhưng giá phân bón, vật tư nông nghiệp lại tăng phi mã. Để giảm sự phụ thuộc vào phân bón vô cơ trong trồng trọt, ngành nông nghiệp Hà Nội khuyến khích các địa phương phát triển, nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh minh họa: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế, đến nay, giá phân bón tăng từ 40-50%; giống cây trồng tăng từ 10-15%, thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 10-20%; thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng từ 15-20%, thuốc thú y tăng từ 10-15% so với cùng kỳ năm trước. Phân bón chiếm từ 20-25% chi phí giá thành sản xuất lúa. 

Để giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo người nông dân cần tìm các biện pháp thay thế, cũng như sử dụng các loại phân bón khác và thực hiện "5 đúng" là: bón đúng chủng loại phân, bón đúng nhu cầu sinh lý của cây, bón đúng nhu cầu sinh thái, bón đúng vụ và thời tiết, bón đúng phương pháp...
 
Thời điểm này cũng là cơ hội để người nông dân hướng tới mô hình nông nghiệp tuần hoàn nhằm tận dụng phế phẩm nông nghiệp như một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tăng thu nhập của nông dân và phát triển bền vững.

Trước thực trạng giá phân bón tăng mạnh, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tìm cách thích ứng nhằm duy trì sản xuất, đảm bảo cây trồng vẫn đạt năng suất cao. Anh Phạm Văn Dũng, huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, từ năm ngoái đến năm nay, giá phân đạm tăng gấp 3 lần, phân lân tăng gấp đôi. Vụ Xuân năm nay, gia đình anh thay vì bón lót phân lân trước khi cấy, nay chuyển sang bón lót bằng phân chuồng. Theo anh Dũng, phân hữu cơ cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cây trồng và không ngưng cải tạo đất đai do chất mùn hữu cơ có khả năng thẩm thấp và hấp thu tốt vào đất.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hồng ở huyện Chương Mỹ cho biết, gia đình bà cũng bón kết hợp giữa 2 loại phân vô cơ và hữu cơ để giảm bớt chi phí. Bà Nguyễn Thị Hồng nói: "Với 8 sào ruộng, mọi năm, gia đình tôi đến các đại lý mua phân hóa học về tích trữ cho cả vụ, gồm bón lót, bón thúc và đón đòng. Nhưng năm nay, giá phân tăng, nhà tôi chỉ mua 1 ít phân lân, còn đạm và kali chờ đến khi nào lúa có đòng mới mua. Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, không bị "đói" phân, tôi đã ủ phân chuồng để bón. Ưu điểm của phân hữu cơ là làm tăng độ phì nhiêu của đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng đầy đủ, cân đối".

Nhiều nông dân trên địa bàn Hà Nội cũng cho rằng, để giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao thu nhập buộc người nông nghiệp dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất, biết thuận theo tự nhiên, tận dụng phế phẩm nông nghiệp như nguồn lợi, nhất là khi chi phí sản xuất nông nghiệp ngày một tăng cao. Trong trồng trọt giá phân bón đã tăng từ 2-3 lần trong năm vừa qua, còn giá giống tăng ít nhất 10%. Với nuôi trồng thủy sản áp lực về chi phí thức ăn cũng là gánh nặng đối với nhà nông. 

Hiện nay, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn như nuôi cá - lúa, úa - tôm, ốc, cua hoặc chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả đang được mở rộng và khẳng định hiệu quả ở nhiều địa bàn của Hà Nội. Tại huyện Thường Tín, nhiều hộ nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất vừa góp phần phục hồi hệ sinh thái môi trường trên đồng ruộng, vừa cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm do Nhật Bản sản xuất để xử lý rơm rạ làm phân bón lót trước khi cấy và trong từng giai đoạn phát triển của cây lúa không chỉ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật có lợi cho đất mà còn giúp cải tạo đất sau thời gian dài sử dụng phân bón vô cơ.
 
Ông Hồ Văn Ban, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Quất Động chia sẻ: phương pháp canh tác này không chỉ góp phần hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra nguồn phân bón tự nhiên giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng mạnh làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Để hỗ trợ nông dân, Sở đã nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, trước hết, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ nông dân liên kết tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp trực tiếp tại các nhà máy sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tăng cường hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Đồng thời, tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ thành phân hữu cơ; ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống tưới nước và phân bón nhỏ giọt tự động trên các loại cây trồng, mô hình công nghệ cao.
 
Bên cạnh đó, hướng dẫn các trang trại chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có (cám, ngô, bã đậu, rau xanh, phụ phẩm nông nghiệp...) thay thế một phần nguồn thức ăn hỗn hợp mua từ thị trường; chủ động liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để mua cám tận gốc, bảo đảm sản xuất không bị đình trệ do vật tư tăng cao.

Đặc biệt, Hà Nội đang thúc đẩy các mô hình sản xuất tuần hoàn, thuận theo tự nhiên. Thời gian tới, đối với từng loại hình sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng hành lang kỹ thuật và phổ biến rộng rãi để các hộ nông dân có thể áp dụng thông qua các mô hình khuyến nông mới. Mỗi năm, các địa phương của Hà Nội sẽ có từ 1-5 mô hình sản xuất tuần hoàn điểm, phù hợp với địa hình canh tác, tập quán sản xuất của người dân... làm cơ sở để nhân rộng.

Nam Giang (TTXVN)
Trao văn bằng bảo hộ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản tiêu biểu của Gia Lai
Trao văn bằng bảo hộ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản tiêu biểu của Gia Lai

Ngày 21/4, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai tổ chức lễ công bố văn bằng bảo hộ và Hội thảo quản lý, phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN