Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh: Hướng tới đô thị khoa học công nghệ

Hiện nay, Khu Công nghệ cao (KCNC) TP.HCM đang trở thành điểm đến đáng tin cậy về đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong tương lai không xa, KCNC sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa và nơi đây cũng sẽ là nơi mà TP.HCM kỳ vọng trở thành một đô thị khoa học công nghệ hiện đại.

Tạo mọi điều kiện phát triển


KCNC TP.HCM được thành lập vào 24/10/2002 với tổng diện tích 913 ha trên địa bàn quận 9. Định hướng phát triển mà KCNC hướng tới là một khu kinh tế - kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao (CNC) có tính chất đặc biệt nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và CNC. Từ đó, hình thành một lực lượng sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển CNC và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp CNC, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Khu vườn ươm doanh nghiệp CNC được xem là trái tim của KCNC.


Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý KCNC cho biết, KCNC TP Hồ Chí Minh là một trong 3 KCNC ở Việt Nam, đồng thời nằm trong những chương trình kinh tế trọng điểm của TP.HCM. Do đó, KCNC đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ đến chính quyền thành phố, cũng như từ các bộ, sở, ban, ngành nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực CNC. Hiện, KCNC đang triển khai phát triển hạ tầng cơ sở giai đoạn II. Song song với việc tiếp tục kêu gọi đầu tư KCNC sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu - phát triển, đào tạo, chú trọng xây dựng vườn ươm công nghệ cao và tạo dựng “không gian khoa học”...


Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, TP đã chỉ đạo các sở, ban ngành khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCNC. Tuy nhiên, đây là dự án đặc biệt, chưa có kinh nghiệm, lần đầu được thực hiện vì vậy TP thành lập hai tổ công tác liên ngành thường xuyên chủ trì giải quyết các vướng mắc phát sinh, tập trung vốn cho đầu tư xây dựng. Để thu hút đầu tư, TP đã tạo mọi điều kiện thuận lợi như tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi ưu đãi tối đa từ giá thuê đất, chính sách thuế, các cam kết ưu đãi khác (như cung ứng hạ tầng, điện, nước,…) hay như ủy quyền cho BQL KCNC thực hiện thủ tục hành chính “một cửa tại chỗ” trong cấp phép đầu tư, quyết định đầu tư dự án nhóm B, C và phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án nhằm rút thời gian và giải quyết nhanh nhất phục vụ nhà đầu tư. Nhờ có giải pháp hữu hiệu, kịp thời, vừa qua KCNC đã thu hút thành công một số tập đoàn chuyên về CNC lớn trên thế giới như Intel, Nidec …

Đóng ngân sách hàng tỉ đồng


Kể từ khi dự án đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2005, đến nay, KCNC đã thu hút và cấp phép cho 66 nhà đầu tư với tổng vốn trên 2,2 tỷ USD, trong đó 33 nhà đầu tư FDI có vốn đầu tư 1,79 tỷ USD, cùng với sự hiện diện của các nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao lớn, có uy tín trên thế giới như Intel, Jabil của Hoa kỳ, Nidec của Nhật Bản, Datalogics của Italia, Sonion của Đan Mạch,… Với kết quả này, KCNC đã góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế thành phố. Cũng từ KCNC, những sản phẩm công nghệ cao được đóng dấu “Made in Vietnam” được thế giới biết đến. Từ đây, rất nhiều sản phẩm CNC được ra đời như chipset (Intel), module cảm biến kỹ thuật số, máy in (Jabil), thiết bị đọc mã vạch (Datalogic), thẻ thông minh các loại (MK, VTC), dược phẩm, thuốc chữa bệnh (Nanogen), đầu đọc DVD, máy ảnh kỹ thuật số (Nidec Sankyo)…

Hạ tầng giao thông trong KCNC TP Hồ Chí Minh đang ngày càng hoàn thiện.


Ngoài ra, các doanh nghiệp trong KCNC còn góp phần vào tăng dần tỉ trọng giá trị xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài của Thành phố (từ 0,12% của năm 2006 tăng dần qua các năm, đến 2011 là 15% và 9 tháng đầu năm 2012 chiếm trên 25% với 1,61 tỷ USD). Đến nay, KCNC đã lấp đầy 98% diện tích đất giai đoạn I, nộp ngân sách bình quân 100 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 17.000 lao động. Bên cạnh đó, KCNC còn tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng linh kiện, vật tư, thành phẩm và bán thành phẩm cho sản xuất sản phẩm CNC.


“Thực tế, việc thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu mang nhiều ý nghĩa về vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (học tập, làm việc trong môi trường, trang thiết bị hiện đại…) chứ không dễ gì các doanh nghiệp FDI vào đầu tư và chuyển giao công nghệ cho chúng ta. Vì vậy, chú trọng vào đầu tư phát triển khu “không gian khoa học”, là để “tự đi trên đôi chân mình”, phát huy năng lực nội sinh của đất nước. Từ đây, chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ nhân lực có trình độ, khả năng làm chủ công nghệ, tư duy sáng tạo, là nền tảng cho sự phát triển KHCN đất nước” - ông Lê Hoài Quốc nói.


Khu “không gian khoa học” được hình thành với 3 khu: Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Trung tâm đào tạo và Vườn ươm doanh nghiệp CNC. Tính đến nay, 3 khu này đã đạt được những kết quả bước đầu như: Trung tâm nghiên cứu và phát triển đang thực hiện chuyển giao cho doanh nghiệp ý tưởng công nghệ carbon nano tube và pin nhiên liệu, chuyển giao công nghệ than nano lỏng, mực in laser; ứng dụng công nghệ nano từ trong bộ kit chẩn đoán bệnh; sản xuất đèn LED công suất cao... Trung tâm đào tạo của KCNC đã hợp tác với các trường đại học, trung tâm đào tạo uy tín trong và ngoài nước, cung cấp các chương trình đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp CNC với hơn 250 khóa và thu hút 3.000 học viên tham dự. Vườn ươm tạo doanh nghiệp CNC - đây là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam, vẫn còn trong giai đoạn tìm tòi những mô hình thích hợp, tuy nhiên vườn ươm đã chứng tỏ được hướng đi đúng đắn khi vừa tổ chức tốt nghiệp cho 1 dự án chăm sóc sức khỏe trong tháng 6 vừa qua sau hơn 1 năm ươm tạo, đồng thời tiếp tục đang ươm tạo cho 6 dự án khác…

Tiếp tục đầu tư vào ngành mũi nhọn


Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng “KCNC đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao chiếm tỉ trọng ngày càng lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển KCNC còn chậm. Nguyên nhân do việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn chậm do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nguồn nhân lực công nghệ cao chưa đáp ứng... Vì vậy, trong tương lai, để xây dựng KCNC trở thành một trung tâm công nghệ cao mạnh về sản xuất công nghiệp CNC, đồng thời là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những cơ hội sáng tạo khoa học và công nghệ. Chúng ta cần cải thiện hai vấn đề quan trọng là thủ tục hành chính và nguồn nhân lực công nghệ cao”.


Theo đó, UBND TP sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện tốt hơn nữa đầu mối “một cửa tại chỗ”, tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCNC… Về xây dựng nguồn nhân lực CNC, TP.HCM cũng yêu cầu khu CNC và các viện trường cần xây dựng lộ trình, kế hoạch phối hợp cụ thể trong việc đào tạo đội ngũ chuyên viên, công nhân có trình độ, chuyên môn kỹ thuật chất lượng đáp ứng nhu cầu về chất lượng phục vụ cho khu nói riêng và thành phố nói chung.


Theo ông Lê Hoài Quốc, trong thời gian tới, để phát triển KCNC bền vững, Ban quản lý KCNC sẽ tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn nhất là vào các lĩnh vực ưu tiên như: Ưu tiên thu hút vào KCNC các dự án công nghiệp phụ trợ có sản phẩm cung cấp cho nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao ngay tại chỗ; tăng cường thu hút đầu tư về đào tạo trong và ngoài nước vào khu “không gian khoa học”; thu hút các chuyên gia khoa học, kỹ sư trong và ngoài nước - trong đó chú trọng lực lượng Việt kiều, tham gia hoạt động đào tạo và thực hiện công tác nghiên cứu khoa học tại các phòng thí nghiệm trọng điểm của KCNC. “Đây chính là những vấn đề cốt lõi, là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, công nghệ của TP.HCM nói riêng và cả khu vực phía Nam nói chung theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa”- ông Quốc cho biết.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN