Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhưng 3 tháng gần đây đã tăng nhanh. Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, giá cả tăng không phải do mất cân đối cung cầu hàng hóa và nguồn cung hàng hóa sẽ được đáp ứng đầy đủ.
Theo bà Thoa, để đảm bảo nguồn hàng vào những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cân đối cung cầu và đã có sự chuẩn bị chủ động cho việc bình ổn thị trường.
Từ nay đến cuối năm 2010 và Tết Tân Mão, nguồn cung hàng hóa chắc chắn sẽ được cung ứng đầy đủ. Ngay từ tháng 10, các doanh nghiệp phân phối đã có sự chuẩn bị dự trữ hàng hóa cho đợt cao điểm cuối năm. Bộ cũng yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty rà soát lại cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhất là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép và các hàng hóa phục vụ Tết. Chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) tăng cường sản xuất và cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, "sốt" giá từ nay đến hết năm 2010, quý I/2011 và đặc biệt chú trọng dịp Tết Tân Mão.
Bà Trần Thị Miêng, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT cho biết: Các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo đủ cho nhu cầu tiêu thụ cuối năm của thị trường. Cho đến nay, tổng lượng gạo đang có trong các DN lớn là khoảng 1 triệu tấn. Lượng xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết đến hết năm là gần 500 ngàn tấn. Như vậy số gạo dư ra gần 500 ngàn tấn hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường đến cuối năm và có thể gối đầu sang năm 2011 nên sẽ không có chuyện thiếu gạo và tăng giá đột biến. Tương tự, tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các DN trong nhóm bình ổn giá đã ký kết với các DN cung ứng thịt đến hết tháng 3/2011 nên mặt hàng thực phẩm sẽ không thiếu hàng và không có chuyện tăng giá đột biến. Một số mặt hàng khác như thực phẩm, đường cũng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Hiện đã có nhiều DN ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất để đảm bảo bình ổn giá đường.
Tuy nhiên, đại diện của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, việc bình ổn giá trong giai đoạn này không có nghĩa là không cho giá tăng. Nhiều mặt hàng trong nước như phân bón, đường, thực phẩm... vẫn đang thấp hơn giá thế giới nên vẫn có thể tăng cho phù hợp với diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, mức tăng giá sẽ không quá lớn khi nguồn cung được đảm bảo.
Với các mặt hàng nông nghiệp, bà Miêng phân tích: "Giá lúa gạo không chỉ phụ thuộc cân đối cung cầu mà còn bị ảnh hưởng bởi giá thế giới. Tháng 8, giá gạo XK là 420 USD/tấn nhưng bây giờ có những hợp đồng đã ký được với giá 495 - 500 USD/tấn nên không thể kìm nén giá trong nước như thời điểm giá XK chỉ có 420 USD/tấn. Kìm chế giá gạo trong bối cảnh giá đầu vào (như phân bón) tăng, sẽ làm cho bà con nông dân thua thiệt”. Cùng với việc tăng cung hàng hóa, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bình ổn giá cả, tập trung vào một số nội dung: Kiểm tra các hành vi đẩy giá lên cao, đầu cơ, tích trữ hàng hóa, loan tin thất thiệt về thị trường, gian lận về giá và đo lường...
Hệ thống bán lẻ được mở rộng qua việc đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều chợ đầu mối, chợ nông thôn được củng cố hạ tầng. Một số địa phương như TP.HCM đã có chương trình bình ổn thị trường năm 2010 và Tết Tân Mão 2011; cấp vốn hỗ trợ bình ổn trên 380 tỷ đồng. Hà Nội đã có phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn với tổng số vốn 500 tỷ đồng. Thực tế, đã có 9 địa phương có các chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường và nhiều tỉnh, thành khác cũng đã có biện pháp phù hợp theo tình hình thực tế địa phương để đảm bảo hàng hóa trên thị trường.
T.Hường