Chương trình Khởi nghiệp do VCCI tổ chức, đã trải qua 9 năm và thu hút nhiều bạn sinh viên tham gia. Nếu như các dự án khởi nghiệp những năm trước đó tập trung nhiều vào mảng dịch vụ “ăn uống, giải khát”, thì năm 2011 vừa qua, khá nhiều dự án đã tập trung vào nội dung phát triển thương hiệu và hướng đến các giải pháp tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Bài 1: Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề cói Nga Sơn
Dự án “Cói Xanh” của nhóm sinh viên trường Đại học Kinh tế và Đại học Thương mại trong cuộc thi Khởi nghiệp 2011 tuy chỉ giành giải ba nhưng được đánh giá cao bởi sự khảo sát công phu và tính cấp thiết xây dựng thương hiệu của một làng nghề.
Vẫn chỉ là sản phẩm thô
Dân gian vẫn truyền tụng câu ca: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình Khởi nghiệp 2011 do VCCI phát động, nhóm thực hiện dự án đã thực hiện nhiều khảo sát tại thị trường Hà Nội và vùng nguyên liệu cói Nga Sơn thì điều dễ nhận thấy là sản phẩm được dân gian, xếp đầu tiên (trong câu ca trên là chiếu cói Nga Sơn), giờ lại không phát triển bằng ba loại sản phẩm còn lại.
Sản phẩm chiếu Nga Sơn vẫn đơn điệu về mẫu mã. |
Nhóm khảo sát đã về tận vùng nguyên liệu, đến các cơ sở sản xuất. Theo đánh giá của nhóm, sản phẩm chiếu cói Nga Sơn đến giờ vẫn giữ nguyên các loại hoa văn trang trí và hình thức từ thời bao cấp. Đối với hàng thủ công mỹ nghệ, để đáp ứng các đơn đặt hàng, một số đơn vị cũng đã cải tiến hình thức nhưng sự tìm tòi thể hiện trong các sản phẩm này vẫn còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa đạng của khách hàng. Hầu hết là các sản phẩm thô làm theo đơn đặt hàng của các chủ hàng nên rất bị động.
Kết quả khảo sát thị trường của nhóm tại Hà Nội cũng cho thấy hầu hết sản phẩm cói tiêu thụ là của Kim Sơn (Ninh Bình) và Thái Bình, do mẫu hàng thường xuyên thay đổi phù hợp với thị hiếu. “Do chỉ làm các sản phẩm thô nên các hộ sản xuất đồ cói Nga Sơn đã không thể chiếm lĩnh được thị trường rất tiềm năng này. Vấn đề nổi cộm là thương hiệu cho sản phẩm. Mặc dù danh tiếng của Nga Sơn đã có từ lâu đời nhưng các sản phẩm cói ở đây lại không có tên tuổi riêng. Ở thị trường nội địa, thậm chí còn có tình trạng các doanh nghiệp của Kim Sơn mua đồ cói thô của Nga Sơn, cải tiến một số hoa văn và gắn bao bì nhãn mác của họ vào”, Khánh Toàn, trưởng nhóm Cói Xanh nhận xét. Do không có thương hiệu nên sản phẩm cói Nga Sơn bán với giá khá rẻ. Khánh Toàn chia sẻ: Về Nga Sơn mua một giỏ xách lưu niệm chỉ với 20.000 đồng nhưng với mẫu sản phẩm thô đó, sau khi gắn hình trang trí, tô điểm thì sản phẩm này có giá từ 200.000-300.000 đồng tại các cửa hàng lưu niệm Hà Nội.
Đầu tư để tìm lại thương hiệu
Dù hiện nay cói Nga Sơn đã được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm này vẫn chưa có thương hiệu sản phẩm (đầu ra) khiến việc tiêu thụ luôn thụ động. Theo khảo sát, toàn huyện có 3 công ty và 10 xí nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh mặt hàng chiếu cói và các sản phẩm từ cói; có 35% số hộ sản xuất các sản phẩm từ cây cói, riêng mặt hàng chiếu cói mỗi năm Nga Sơn cung cấp cho thị trường hơn 2 triệu lá chiếu.
Tuy nhiên, theo khảo sát của nhóm tại 2 doanh nghiệp lớn của vùng là Việt Trang và Hoàng Long, thì các cơ sở sản xuất vẫn chủ yếu làm gia công cho các đối tác; trong khi ý thức xây dựng một thương hiệu sản phẩm cói Nga Sơn khá mờ nhạt. Chủ cơ sở Hoàng Long hiện đang làm hàng thủ công là những giỏ hàng, ghế ngồi cói xuất khẩu sang Nhật Bản. Tuy nhiên, đối tác còn chuyển cả bao bì với nhãn mác và tất cả thông số, tiêu chí bằng tiếng Nhật để đóng gói ngay tại Việt Nam. Tìm khắp cả thùng bao bì, duy nhất có một từ duy nhất “made in Viet Nam” để biết nguồn gốc xuất xứ. Với nhãn mác và các thông số tiêu chuẩn bằng tiếng Nhật, rõ ràng khi đưa ra thị trường, sản phẩm này người tiêu dùng sẽ coi đây là hàng thủ công của Nhật và chúng ta đã mất “thương hiệu” ngay từ sân nhà.
Thêm vào đó là tình hình sản xuất kinh doanh thiếu chiến lược dài hạn tại địa phương. Một số lượng lớn các đơn vị sản xuất cói tại Nga Sơn hiện đang bán sản phẩm ồ ạt cho các thương lái Trung Quốc, từ nguyên liệu tới sản phẩm đầu ra, dẫn tới tình trạng bị ép giá và phụ thuộc lớn vào nguồn tiêu thụ này. Chỉ cần đối tác dừng hợp đồng là cả vùng cói lại lao đao. Bên cạnh đó là sự chưa quan tâm đúng mức của các đơn vị sản xuất đồ cói tới việc xử lý, bảo quản sản phẩm và chống ẩm mốc một cách hiệu quả, một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm đồ lưu niệm cói không được tiêu thụ rộng rãi tại những thị trường có khí hậu nhiệt đới gió mùa như nước ta.
Là vùng nguyên liệu có chất lượng, đồ cói Nga Sơn vẫn là một sản phẩm hấp dẫn và đầy tiềm năng để vươn lên phát triển xứng tầm. Chính vì vậy nhóm dự án Khởi nghiệp Cói Xanh đã đưa ra đề xuất xây dựng một mô hình chuyên về sản xuất và kinh doanh đồ cói ở thị trường trong nước, với sản phẩm được làm ra từ chính những người thợ thủ công ở Nga Sơn, gồm 2 nhóm mặt hàng là chiếu và đồ lưu niệm. Từ đặc tính bền, dẻo dai của cói ở Nga Sơn và sự chú trọng đầu tư trong thiết kế mẫu mã sản phẩm, nhóm Cói Xanh chú trọng hình thành sản phẩm trên cả hai phương diện tính thẩm mỹ và độ bền chắc của sản phẩm. Hiện những mẫu thiết kế mới lạ, phù hợp với thị hiếu giới trẻ và khách du lịch đang được dự án Cói Xanh chào bán tại các cửa hàng lưu niệm với mong muốn mở rộng nguồn tiêu thụ khi có điều kiện.
Xuân Cường
Bài cuối: Mô hình siêu thị mini hàng ký gửi