Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với địa phương tổ chức đoàn khảo sát thực tế tình hình thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở tại một số địa phương sau khi mưa, bão chấm dứt tại khu vực miền Trung để nắm bắt tình hình thiệt hại về nhà ở; trong đó có nhà ở được hỗ trợ theo các Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015…
Khu vực miền Trung liên tiếp xảy ra các trận mưa, lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản, đặc biệt là nhà ở của người dân. Bởi vậy, việc phối hợp với các địa phương khảo sát thực tế cũng chính là cơ sở để đánh giá hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ nhà ở theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ tính riêng chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định 48 đã giúp 19.244/21.600 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt, đạt trên 89% với tổng vốn 661,6 tỷ đồng đã giải ngân.
Theo Bộ Xây dựng, qua thời gian, các chương trình hỗ trợ nhà ở đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của người dân, đặc biệt là hộ nghèo cũng như các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài việc đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, các chương trình hỗ trợ nhà ở còn có ý nghĩa về an sinh xã hội, phát triển kinh tế tại các địa bàn, khu vực khó khăn.
Nhiều giải pháp kỹ thuật được đưa ra cho mô hình nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Loại nhà này có thể xây mới hoặc cải tạo từ nhà cũ để nâng tầng làm sàn phòng, tránh bão, lụt và phải đảm bảo có sàn vượt lũ cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng.
Diện tích sàn sử dụng tối thiểu 10m2 với các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái tương đương kết cấu của nhà ở xây dựng kiên cố. Các chuyên gia khẳng định, nhà trong vùng ngập lụt, đồng thời bị ảnh hưởng của bão thì mái làm bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu lợp có chất lượng tốt mới đảm bảo khả năng phòng, tránh bão.
Các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ gồm hộ chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà. Cùng đó là các hộ có nhà ở được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà.
Mức ngập lụt quy định tối thiểu là 1,5m và được xác định tính từ nền nhà đến mực nước ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng. Khu vực có mực nước ngập lụt thường xuyên là khu vực có tần suất ngập lụt tối thiểu là 2 năm liên tiếp hoặc 3 năm ngập lụt không liên tiếp trong vòng 5 năm trở lại đây. Mức ngập lụt và khu vực có mực nước ngập lụt thường xuyên do cơ quan chuyên môn được UBND cấp tỉnh giao theo dõi xác định.
Các địa phương và cơ quan chức năng đã nghiên cứu thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở phòng, tránh bão, lụt điển hình, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương. Mẫu thiết kế phải đảm bảo các tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng quy định, đảm bảo phòng, tránh được bão, lụt và có chiều cao hợp lý để có thể sử dụng được cả diện tích bên dưới sàn vượt mức ngập lụt trong điều kiện bình thường.
Tuy nhiên, các địa phương giới thiệu mẫu thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn nhưng vẫn phải tôn trọng nguyện vọng của các gia đình; không bắt buộc các hộ gia đình xây dựng nhà phòng, tránh bão, lụt theo thiết kế mẫu.
Tùy theo điều kiện cụ thể, người dân có thể xây dựng theo kinh nghiệm, truyền thống, phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình nhưng phải đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng quy định và khả năng phòng, tránh được bão, lụt.
Ngoài thiết kế mẫu, các địa phương có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp cải tạo, nâng tầng làm sàn nhà phòng, tránh bão, lụt.