Khẳng định giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các cấp, ngành, các chủ thể của sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu ngày càng quan tâm xây dựng mẫu mã, bao bì. Nhờ vậy, sản phẩm OCOP của tỉnh không ngừng khẳng định được giá trị thương hiệu và chất lượng trên thị trường.

Chú thích ảnh
Các ngành, các cấp của tỉnh Bạc Liêu thường xuyên quan tâm nâng cao kiến thức, kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã để các chủ thể OCOP lên ý tưởng và thiết kế phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Chủ động từ các chủ thể OCOP

Theo đánh giá của Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, từ khi tham gia Chương trình OCOP, nhiều chủ thể đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, tạo ra mẫu mã, bao bì sản phẩm bắt mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thanh Thủy, chủ cơ sở Thanh Thủy PP (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) cho biết: Cơ sở có 5 sản phẩm OCOP gồm: khô tôm đất, chả tôm, khô cá kèo, khô cá phi, tôm thẻ ép. Trước đây, khi chưa xây dựng sản phẩm OCOP, trong nhiều năm, cơ sở chủ yếu quan tâm chất lượng, chứ ít chú trọng bao bì, mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP, nhận thấy nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng ngày càng cao, nên cơ sở đã quyết định thuê đơn vị chuyên thiết kế bao bì sản phẩm xây dựng mẫu mã. Các sản phẩm OCOP của cơ sở giờ đây không chỉ được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, mà người tiêu dùng còn ấn tượng với mẫu mã. Sản phẩm cũng vì vậy mà tiêu thụ ngày càng tăng lên.

Tương tự như cơ sở Thanh Thủy PP, hợp tác xã nông sản sạch số 1 Bạc Liêu, (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu), chủ thể của 3 sản phẩm: tôm giòn, cá lù đù một nắng và chà bông tôm được chứng nhận OCOP 3 sao cũng luôn quan tâm tập trung vào phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm. Chị Cao Ngọc Hằng, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ, xác định xây dựng sản phẩm OCOP, trước nhất là phải đảm bảo về chất lượng, nên cơ sở đặc biệt quan tâm khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào. Cơ sở chỉ lựa chọn những sản phẩm tôm, cá tươi sống, muối ướp đảm bảo chất lượng, an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Quá trình sản xuất, hợp tác xã rất quan tâm thiết mẫu mã, bao bì sản phẩm sao cho dễ nhận diện, bắt mắt. Nhờ vậy, sản phẩm của cơ sở được các ngành chọn tham gia trung bày tại các hội chợ, sản phẩm cũng được bày bán trong các siêu thị, được khách hàng ngày càng tin chọn.

Chú thích ảnh
Bên cạnh chất lượng, các chủ thể OCOP của tỉnh Bạc Liêu ngày càng quan tâm chú trọng tạo ra mẫu mã, bao bì sản phẩm bắt mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Bà Võ Thị Hồng Thoại, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ thể OCOP tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Các sản phẩm OCOP ngày càng nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thông qua Chương trình OCOP, nhận thức của các chủ thể có nhiều thay đổi tích cực, hiểu rõ ý nghĩa của chương trình, đồng thời tận dụng tài nguyên sẵn có của địa phương để sản xuất hàng hóa. Câu lạc bộ bên cạnh khuyến khích duy trì chất lượng sản phẩm, còn chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường, từ đó kết nối đến các đơn vị cung cấp các loại mẫu mã, bao bì sản phẩm đa dạng về hình thức, giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của các chủ thể. Nhiều sản phẩm sản xuất, trung bình số lượng tăng hơn trước từ 20-30%. Cá biệt, có những cơ sở sản xuất sản lượng tăng trên 50% so với trước khi tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, một số sản phẩm đã vào được được hệ thống các siêu thị và được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Tiếp sức cho sản phẩm OCOP

Chương trình  OCOP đã đưa các mặt hàng nông sản trở thành sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Thống kê của Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, từ khi triển khai chương trình OCOP đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đánh giá, phân hạng và công nhận 132 sản phẩm OCOP; trong đó có 33 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 99 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.

Phần lớn các sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu là sản phẩm thực phẩm, được chế biến từ thủy hải sản, nông sản và muối, thể hiện được đặc trưng, thế mạnh về nguyên liệu địa phương như gạo Một bụi đỏ, gạo Đài thơm 8, tôm khô, tôm tẩm gia vị, tôm đông lạnh, muối các loại, khô cá bổi, khô cá thác lác, khô cá khoai, khô cá kèo, yến sào sấy khô, yến chưng, bánh phồng tôm, chả lụa, chả cá, chả tôm, nước mắm cá cơm, măng tây, rau cần nước, hẹ lá, …

Theo ông Đặng Minh Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, trong sản xuất, kinh doanh, bao bì sản phẩm có vai trò rất quan trọng. Cùng với chất lượng sản phẩm, bao bì góp phần tạo nên thương hiệu cho sản phẩm OCOP, giúp khách hàng nhận diện, truy xuất đầy đủ thông tin sản phẩm. Các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. từ đó, một số sản phẩm của các chủ thể OCOP của tỉnh Bạc Liêu đã xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Úc …

Chú thích ảnh
Sản phẩm OCOP khô cá kèo Bạc Liêu tham gia trung bày, giới thiệu tại các hoạt động, hội chợ, xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm. Ảnh: TTXVN phát

Để hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng, bao bì sản phẫm đáp ứng nhu cầu của thị trường, Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP, nhất là việc phát huy nội lực và gia tăng giá trị chất lượng, thương hiệu của sản phẩm OCOP theo hướng phát huy giá trị tài nguyên bản địa, truyền tải về văn hóa, tri thức dân gian của địa phương.

Đối với các hoạt động liên quan đến thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP, Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho các chủ thể kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã để các chủ thể lên ý tưởng và thiết kế phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; tạo điều kiện hỗ trợ các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP nhằm tìm hiểu, học hỏi và sáng tạo các mẫu mã, bao bì mới phù hợp với sản phẩm; hỗ trợ xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP...

Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, hỗ trợ các trang thiết bị sản xuất cho các chủ thể OCOP, tập trung trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, thực hiện quản lý mã vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường.

Tuấn Kiệt (TTXVN)
Phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP
Phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Ngày 25/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái tổ chức diễn đàn "Giải pháp phát triển thương hiệu nông sản và tiêu thụ sản phẩm OCOP”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN