Đã gần 2 tháng trôi qua sau trận lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nhưng đến nay những ảnh hưởng và thiệt hại của thiên tai chưa thể khắc phục xong, cuộc sống người dân vẫn còn bộn bề khó khăn. Vượt lên hoàn cảnh, người dân Quảng Bình đang nỗ lực, cố gắng gượng dậy sau bão lũ, tích cực lao động, nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để nhanh chống tái thiết cuộc sống.
Tái sản xuất sau mưa lũ
Những ngày giữa tháng 12, về xã Quảng Lộc – một trong những địa phương bị ngập lụt sâu và ảnh hưởng nặng nề của trận mưa lũ vừa qua của thị xã Ba Đồn trời đã nắng ấm. Trên khắp ngõ xóm, cánh đồng, người dân hăng say ra đồng, tích cực cải tạo ruộng đất, cày ải và xuống giống.
Vợ chồng ông Phạm Quang Đạo ở thôn Phù Trịch, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình ra đồng từ sớm để làm đất, chăm sóc diện tích rau màu, cây trồng vừa mới gieo. Ông Đạo chia sẻ: "Năm nay, nhà nào cũng bị thiệt hại lớn do mưa lũ. Giờ trời nắng đẹp, khô ráo nên gia đình tôi và bà con nông dân địa phương đang khẩn trương cải tạo đất, vét kênh mương thủy lợi,chú trọng đẩy nhanh việc trồng các giống rau màu như: ớt, khoai lang, đậu, cải, mồng tơi, tỏi…để nhanh cho thu hoạch".
Ông Đạo cho biết thêm, gia đình ông cũng tích cực tưới tiêu, làm cỏ, chăm sóc vườn dừa xiêm gần 80 cây đang quá trình phát triển. Ngoài ra, tận dụng quỹ đất tại vườn dừa, vợ chồng ông Đạo cũng tranh thủ trồng xen canh các loại cây trồng và rau màu để cải thiện sản xuất, ổn định thu nhập.
Theo người dân địa phương, thông qua sự hỗ trợ về một phần kinh phí, nguồn giống từ chính quyền và các nguồn ủng hộ khác đã tiếp động lực cho bà con nông dân quyết tâm phấn đấu phủ kín diện tích rau màu vụ đông và đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, tăng gia sản xuất, phục hồi đời sống sau bão lũ.
Ông Phạm Chí Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho hay, sau mưa lũ, toàn bộ 13 ha diện tích trồng rau màu của xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn bị thiệt hại hòan toàn. Để sớm khôi phục, ngay từ đầu vụ Đông – Xuân, chính quyền địa phương đã chỉ đạo bà con mở rộng diện tích rau, củ, quả ở vùng tập trung và vườn nhà. Trong kế hoạch, vụ Đông Xuân năm nay, xã Quảng Lộc sẽ phấn đầu hoàn thành việc gieo cấy trên 254 ha lúa, hơn 8 ha rau và 3,1 ha trồng ớt.
Hiện chính quyền địa phương cũng tích cực chỉ đạo, đôn đốc các thôn, xóm và người dân hăng hái lao động sản xuất, triển khai thực hiện các công đoạn cần thiết để tái sản xuất. Theo đó, chú trọng làm vệ sinh môi trường, chuồng trại chăn nuôi, khử khuẩn môi trường, nạo vét kênh mương nội đồng, diệt chuột, cày ải ruộng đất, chuẩn bị cây con giống đảm bảo nguồn gốc, chất lượng và năng suất, góp phần đảm bảo một vụ mùa thắng lợi.
Tại địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, người dân cũng đang nỗ lực tái sản xuất sau mưa lũ. Trên đồng ruộng, khung cảnh lao động của người dân đã nhộn nhịp, rộn rã hơn. Gia đình bà Hoàng Thị Liên ở thôn Trung Đình, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa có 6 sào ruộng, 7 sào trồng ngô, bắp và rau màu. Đây là nguồn thu và sinh kế chủ yếu của cả gia đình bà Liên. Tuy nhiên, qua các đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua, đất ruộng của bà Liên bị bồi lấp không thể sản xuất được.
"Để tiến hành sản xuất vụ mới điều bà con chúng tôi rất cần là nguồn giống cũng như kinh phí để trang trải, chi phí việc thuê nhân công, phân bón và các sinh hoạt khác. Thời gian qua, chính quyền các cấp và các nhà hảo tâm đã luôn đồng hành, chia sẻ với người dân vùng lũ chúng tôi cả về vật chất lẫn tinh thần nên bà con rất phấn khởi. Mong rằng, thời gian tới đây, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ chúng tôi để sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất", bà Hoàng Thị Liên bộc bạch.
Anh Lê Đức Hà, ở xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình chia sẻ, trang trại của gia đình tôi có diện tích khoảng 30 ha, chủ yếu nuôi cá, vịt, trồng lúa… Nhưng trận lũ vừa qua toàn bộ trang trại đều bị ảnh hưởng nặng với tổng thiệt hại gần 300 triệu đồng. Sau lũ, phải mất từ 2 -3 năm nữa mới có thể khôi phục lại được.
Trước mắt, trang trại có kế hoạch tái đàn khoảng 2000 vịt và trên 1 tấn cá giống chăn nuôi. Để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân, gia đình, phải tiếp tục vay mượn thêm từ phía ngân hàng để tái sản xuất.
Hỗ trợ, sẻ chia với nông dân
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, trong hai đợt mưa lũ liên tiếp, đặc biệt đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 16-22/10 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, các địa phương lưu vực sông Gianh, sông Son…
Lũ chồng lũ, bão chồng lũ đã làm đảo lộn toàn bộ đời sống của người dân và ảnh hưởng nặng nề trên mọi lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp. Trận mưa lũ lịch sử đã khiến gần 6.800 ha hoa màu, cây trồng của bà con nông dân Quảng Bình bị hư hại; hơn 41.200 tấn hạt giống bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 975.000 con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi và chết. Ngoài ra, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, lòng bè và phương tiện khai thác thủy hải sản bị thiệt hại nặng nề...
Để hỗ trợ, sẻ chia với bà con nông dân sau mưa lũ, ngành nông nghiệp Quảng Bình cũng khẩn trương triển khai các công tác cứu trợ khẩn cấp sau mưa lũ. Đặc biệt, qua các nguồn hỗ trợ từ Trung ương và các đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm, ngành đã tiếp nhận và phân bổ về cho các địa phương và nhân dân trong tỉnh.
Trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp Quảng Bình đã tiếp nhận và phân bổ 275.000 con gà và vịt; 75.000 kg thức ăn hỗn hợp và các loại vắc xin Newcastle, Gumboro, vắc xin lở mồm long móng, dịch tả lợn, tụ huyết trùng trâu bò, Benkocid, Clorin, thuốc sát trùng Antirus và BioGrowth… Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng phân bổ 2 tấn lúa, 5 tấn ngô và 4,2 tấn rau. Hiện đơn vị tiếp tục tiếp nhận và lên kế hoạch phân bổ về các địa phương 640 tấn lúa; 120 tấn ngô và 10 tấn rau từ nguồn hỗ trợ của Trung ương.
Ông Trần Đình Hiệp, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: bà con nông dân cần tiếp tục xử lý đồng ruộng, cải tạo môi trường, sửa chữa chuồng trại; cày ải và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai sản xuất vụ Đông Xuân. Qua kiểm tra thực tế đến nay bà con nông dân đã triển khai và từng bước khôi phục sản xuất trên lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt…. Đồng thời, bà con nông dân cũng đã sử dụng hiệu quả nguồn giống rau, con đã được hỗ trợ; công tác chuẩn bị sản xuất cũng được tích cực triển khai thực hiện.
Ngoài ra, để đảm bảo vụ mùa bội thu và tái thiết cuộc sống cho bà con sau lũ, trong quá trình sản xuất, ngành cũng chú trọng cử cán bộ chuyên môn phụ trách về cơ sở, hướng dẫn và hỗ trợ bà con nông dân.
Bên cạnh đó, quan tâm chỉ đạo các địa phương, đơn vị hướng dẫn bà con triển khai xuống giống, đảm bảo cơ cấu cây trồng theo đúng kế hoạch, sử dụng giống lúa chất lượng nâng cao mang lại hiệu quả sản xuất; mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển trang trại trên quy mô công nghiệp, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ dịch bệnh…
Hy vọng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và sự cố gắng vượt lên khó khăn của người dân, vụ Đông Xuân năm nay sẽ đạt kết quả khả quan, khó khăn cũng sớm qua đi và cuộc sống nhân dân sẽ sớm ổn định.