Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang thí điểm nhượng quyền khai thác tuyến vận tải đường thủy, đường sắt trên tuyến Lào Cai - Hải Phòng cho doanh nghiệp nhằm giảm tải cho đường bộ.Thí điểm nhượng quyền khai thác Theo lãnh đạo Sở GTVT Hải Phòng, các cảng thủy Hải Phòng hiện nay có lượng hàng thông qua lớn, nhưng đa phần vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ với hơn 70%, đường thủy chỉ "gánh" gần 20%, còn đường sắt đảm đương được khoảng 3%.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin Tức, vận tải đường sắt từ đầu tuyến Lào Cai đến cuối tuyến Hải Phòng hiện nay được kết nối giữa hai tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng. Trong quá trình vận tải, hàng hóa trên các toa tàu thường được bốc xếp bổ sung khi qua hàng chục ga nhỏ trên hai tuyến. Mặc dù khá thuận lợi, nhưng các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đều cho rằng trong quá trình bốc xếp, vận chuyển giữa các ga, hàng hóa khó tránh khỏi tình trạng va đập, gây biến dạng, nhất là đối với các loại hàng hóa cần đảm bảo đảm giữ nguyên khối, tránh gãy, vỡ bên trong.
Vận tải thủy nội địa đang đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện. |
Còn Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) Nguyễn Thủy Nguyên, cho biết tuyến vận tải thủy nội địa từ Lào Cai về Hải Phòng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, do các doanh nghiệp muốn khép kín chu trình từ kho đến đại lý tiêu thụ. Vào mùa khô, khi mực nước không ổn định, luồng lạch chưa kịp nạo vét, tàu thuyền trọng tải lớn không đi lại được. Vì vậy, dù giá thành vận tải trong mùa khô chỉ bằng 1/10 so với đường bộ, nhưng gần như không có doanh nghiệp nào ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn có được sự kết nối giữa đường thủy với đường sắt, còn VIVASO sẵn sàng cam kết đầu tư vốn thực hiện các dự án nạo vét luồng lạch, xây cầu cạn, để đảm bảo cho tàu thuyền lưu thông thuận lợi, nhằm thu hút khách hàng. |
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy vận tải đường thủy, đường sắt, mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện thí điểm nhượng quyền khai thác đường thủy, đường sắt tuyến Lào Cai - Hải Phòng cho VIVASO khai thác. Trong đó VIVASO được quyền đầu tư thực hiện nạo vét đảm bảo chiều sâu luồng, nạo vét duy tu hàng năm và kinh doanh hoàn vốn bằng các loại phí vận chuyển với cơ chế ưu đãi.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, không có lý do gì mà cước vận tải đường thủy trên tuyến Lào Cai - Hải Phòng hiện chỉ bằng 1/10 giá thành so với đường bộ, mà không thu hút được doanh nghiệp hàng hóa hoặc doanh nghiệp hàng hóa lại không mặn mà với vận tải thủy vì tàu thuyền bị hạn chế đi lại vào mùa khô.
Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Vụ Pháp chế xây dựng thông tư về thu phí giao thông trên luồng đường thủy và rà soát các văn bản liên quan đến đầu tư, phát triển hạ tầng, áp dụng thí điểm ngay trên tuyến vận tải Lào Cai - Hải Phòng, tiến tới nhân rộng trên các tuyến vận tải thủy nội địa cả nước để tăng cường tính kết nối với vận tải đường sắt và các phương thức vận tải khác.
Huy động vốn hạ tầng đường thủy
Để có thể nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa, ngành giao thông cũng đã có chiến lược tổng thể cho vấn đề này. Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa phê duyệt Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường thủy nội địa. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2020, Bộ GTVT sẽ huy động khoảng 12.600 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện 45 dự án hạ tầng đường thủy. Ngay trong năm 2015, Bộ GTVT sẽ thí điểm gọi vốn BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) cho 2 dự án cải tạo luồng đường thủy nội địa là: Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng và tuyến vận tải trên sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cầu Bến Súc.
“Nếu hai dự án tiên phong này được triển khai sẽ mở ra cơ hội làm sống lại các tuyến, luồng vận tải thủy nội địa nhờ vào dòng vốn xã hội hóa theo hình thức BOT, qua đó tăng cường khả năng kết nối với vận tải đường sắt, khép kín chu trình vận chuyển hàng hóa”, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhận định.
Các dự án hạ tầng đường thủy khác được đánh giá nhiều tiềm năng trong tương lai là: Nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái; nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hàm Luông (đoạn từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông); tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt - cầu Đuống); luồng cửa Đáy, cửa Trà Lý, cửa Cổ Chiên; xây dựng các cảng container Phù Đổng, Long Bình, Khuyến Lương, Sa Đéc... Để hoàn vốn các dự án hạ tầng này, Bộ GTVT sẽ cho phép các nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn hoặc kết hợp hình thức tận thu sản phẩm nạo vét (cát, sỏi) và thu phí; đồng thời hỗ trợ trong trường hợp không hoàn được vốn đầu tư, nhằm đảm bảo hiệu quả tài chính đối với các dự án.
Riêng đối với các dự án cảng, bến và đường kết nối vận tải thủy - sắt, Bộ GTVT sẽ cho phép thu phí tại chỗ bằng việc xây dựng các trạm thu phí hoặc kết hợp với cảng vụ để thu phí hoàn vốn. Bộ GTVT đang giao Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư lập đề xuất, danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư để triển khai.
Bài và ảnh: Tiến Hiếu