Đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kết nối, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp hợp tác phát triển, xây dựng các sản phẩm chất lượng cao, các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa Nam Định với các tỉnh bạn.
Tại buổi toạ đàm, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hoà Bình… đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, các cách làm hay trong việc phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp tại Nam Định cũng đề xuất tỉnh Nam Định cần, tiếp tục chú trọng hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân cho rằng, các buổi toạ đàm kết nối doanh nghiệp là rất cần thiết, giúp kết nối doanh nghiệp, tiêu thụ được sản phẩm. Đơn cử như: sau khi được tỉnh Nam Định tạo điều kiện đi kết nối tiêu thụ sản phẩm ở Tuyên Quang, ngay sau đó doanh nghiệp đã kết nối được với một doanh nghiệp của tỉnh bạn và đưa được hàng hoá đi tiêu thụ.
Nam Định là tỉnh trọng điểm phát triển nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, với lợi thế về đất đai màu mỡ, thuận lợi cho thâm canh tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Nam Định đã và đang phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, gắn với tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình liên kết và xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị.
Đến nay, tỉnh Nam Định đã xây dựng, phát triển được 39 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Điển hình là các chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân với quy mô trên 1.000 ha; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân với quy mô trên 500 ha…Ngoài ra, tỉnh Nam Định đã xây dựng được 431 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 55 sản phẩm OCOP 4 sao, 376 sản phẩm OCOP 3 sao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga kỳ vọng, qua toạ đàm kết nối doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định mong muốn các địa phương cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngành tích cực giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc, chính sách thu hút, phát triển nông nghiệp. Từ đó, thiết lập các quan hệ hợp tác, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển các sản phẩm ngành nông nghiệp chất lượng cao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, hy vọng, sau buổi tọa đàm, mối quan hệ giữa các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp tỉnh Nam Định và các địa phương trong vùng sẽ ngày càng thân thiết hơn, những chương trình, dự án hợp tác kinh doanh, đầu tư trong nông nghiệp sẽ ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trong khuôn khổ của hội nghị tọa đàm, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định cũng phối hợp với Hiệp hội nông nghiệp sạch tổ chức Khu trưng bày sản phẩm của 100 cơ sở với trên 500 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh và các sản phẩm được lựa chọn của các doanh nghiệp tỉnh ngoài như Thái Bình, Hoà Bình, Ninh Bình… Từ đó, tạo cơ hội kết nối, giao lưu giữa các doanh nghiệp, các địa phương, thúc đẩy cơ hội hợp tác xúc tiến thương mại; nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.