Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Về kinh doanh, khi chất lượng không đảm bảo thì phải hạ giá hoặc có chính sách khuyến mãi hợp lý, người tiêu dùng cảm thấy được an ủi. “Nếu vẫn thu đúng, thu đủ khi chất lượng dịch vụ không đảm bảo thì chẳng khác nào đó là cách tăng giá. Tất nhiên, trong những trường hợp bất khả kháng (thiên tai, bị phá hoại…) thì có thể tìm sự thông cảm, chia sẻ rủi ro từ khách hàng”, ông Phong nói.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng: Hiện nay cũng khó phân biệt được trường hợp thế nào thì được bồi thường, sự việc nào không được. Ví dụ sự cố là bất khả kháng như lũ lụt, động đất…thì nhà cung cấp cũng cần sự thông cảm của khách hàng. Tuy nhiên, cũng phải xem xét tới chất lượng, công trình đầu tư của nhà mạng. “Khi kinh doanh, doanh nghiệp phải lường trước các yếu tố rủi ro, thiệt hại để tính vào giá dịch vụ của khách hàng. Nếu xảy ra đứt cáp nhiều mà cứ đổ lỗi là tình huống bất khả kháng và khách hàng vẫn phải trả đầy đủ cước phí thì vô lý”, luật sư Đức nói.
Theo Basico, trong sự việc này, có thể các nhà mạng không phải đền bù cho khách hàng 100% nhưng cũng không thể phủ nhận trách nhiệm. Vì vậy, nên có chính sách bảo vệ khách hàng, người tiêu dùng. Ví dụ như ở nước ngoài, một số hãng điện tử hay ô tô lớn, khi có lỗi sản phẩm, doanh nghiệp còn ra quyết định triệu hồi đồng loạt sản phẩm; đồng thời giảm giá, ưu đãi cho khách hàng mua sản phẩm rất lớn. “Có những cái luật không bắt buộc mà đây là triết lý kinh doanh, chăm sóc, giữ chân khách hàng hay đơn thuần là uy tín, thương hiệu của hãng. Đó là chưa kể trong năm qua, các nhà mạng đạt lợi nhuật khá lớn”, đại diện Công ty Basco nêu.
Còn theo Công ty luật Sblaw, hợp đồng pháp lý của các hoạt động dịch vụ bao giờ cũng có điều khoản miễn trừ trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ đối với bên sử dụng dịch vụ trong những điều kiện bất khả kháng. Trường hợp đứt cáp quang do thời tiết là sự kiện bất khả kháng, nhưng nhà cung cấp dịch vụ cũng nên có những động thái chia sẻ rủi ro và thiệt hại với khách hàng. “Nếu cứ theo đúng theo hợp đồng mà làm thì đôi khi không đảm bảo lợi ích hài hòa giữa hai bên”, LS Nguyễn Thanh Hà nhận xét.
Hiện tại, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn như Viettel, VNPT VinaPhone vẫn chưa có phản hồi chính thức liên quan tới quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ Internet.
Theo báo cáo kinh doanh của ba nhà mạng lớn là MobiFone, VinaPhone và Viettel, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách năm nay đều tăng trưởng cao so với năm 2015. Trong năm qua, Viettel đạt tổng doanh thu 256.526 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 43.200 tỷ đồng, nộp ngân sách 40.196 tỷ đồng. Còn VNPT, doanh thu trong năm 2016 đạt 135.223 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015. Hiện số thuê bao di động VinaPhone đã đạt 31,6 triệu.
Hiện Việt Nam có 4 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm AAG (Asia – America Gateway), Liên Á (IA), SMW3 và tuyến châu Á – Thái Bình Dương (APG) thì trên 3 tuyến đang gặp sự cố cùng lúc. Viettel là doanh nghiệp duy nhất tham gia khai thác tuyến cáp quang IA tại Việt Nam. Do IA bị lỗi sự cố tại nhánh đi Hồng Kông (Trung Quốc) và lại bị rò rỉ nguồn tại nhánh đi Singapore nên thuê bao Viettel bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Các chuyên gia trong ngành cho biết: Tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần gặp sự cố khiến việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chập chờn, thậm chí có thời điểm rất khó tiến hành giao dịch. Trong năm 2016, đã có 4 lần cáp AAG gặp sự cố và được bảo trì, lần lượt vào các tháng 3, 6, 8 và đầu tháng 9/2016. Trong đó, tháng 8/2016, tuyến cáp này gặp sự cố “kép” khi liên tiếp trong 2 ngày mùng 2 và 3/8/2016 cáp AAG bị đứt tại 2 vị trí cáp nhánh S11 hướng Hong Kong (Trung Quốc) và S1B hướng Singapore. Và gần đây nhất là tháng 9/2016 và đến nay, cáp nhánh của tuyến AAG lại gặp sự cố.