IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục 'ảm đạm'

Ngày 22/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với một số nền kinh tế, đồng thời cảnh báo rủi ro từ các cuộc xung đột vũ trang, tranh chấp thương mại tiềm ẩn và tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa Long Beach ở bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 3,2% như đã dự báo vào tháng 7 vừa qua. Trong khi đó, IMF dự báo kinh tế thế giới năm 2025 tăng 3,2%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7. Tăng trưởng trung hạn dự kiến giảm xuống mức trung bình 3,1% trong 5 năm, thấp hơn nhiều so với xu hướng trước đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo, IMF điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ năm nay thêm 0,2 điểm phần trăm lên 2,8% chủ yếu do tiêu dùng mạnh hơn dự kiến nhờ tiền lương và giá tài sản tăng. Triển vọng tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2025 cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,3% lên 2,2%.

Thể chế tài chính này nâng dự báo tăng trưởng GDP của Brazil năm 2024 thêm 0,9 điểm phần trăm lên 3%, cũng nhờ vào tiêu dùng và đầu tư tư nhân tăng mạnh hơn. Tuy nhiên, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mexico 0,7 điểm phần trăm xuống còn 1,5% do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

IMF hạ 0,2 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay xuống còn 4,8%, với kim ngạch xuất khẩu ròng tăng bù đắp phần nào cho lĩnh vực bất động sản tiếp tục yếu và niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới năm 2025 vẫn được dự báo ở mức 4,5%, nhưng chưa tính đến tác động của các kế hoạch kích thích tài chính mới được Bắc Kinh công bố gần đây.

Theo dự báo của IMF, kinh tế Đức sẽ chững lại năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó do lĩnh vực sản xuất của nước này tiếp tục gặp khó khăn. Điều này kéo theo tăng trưởng chung của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm xuống còn 0,8% năm 2024 và 1,2% cho năm 2025 mặc dù kinh tế Tây Ban Nha được điều chỉnh tăng thêm 0,5 điểm phần trăm lên 2,9%.

Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng với mức tăng trưởng dự kiến mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn với 7% vào năm 2024 và 6,5% vào năm 2025, không đổi so với dự báo hồi tháng 7.

Đề cập đến những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế, IMF nêu khả năng giá dầu và các mặt hàng khác tăng đột biến nếu xung đột ở Trung Đông và Ukraine lan rộng. Bên cạnh đó, IMF cũng lưu ý đến khả năng tăng mạnh thuế xuất nhập khẩu và các biện pháp đáp trả. Nếu Mỹ, Eurozone và Trung Quốc áp thuế bổ sung 10% lẫn nhau và Mỹ tăng 10% thuế đối với những nước khác trên thế giới, số người di cư tới Mỹ và châu Âu giảm và thị trường tài chính biến động, IMF sẽ điều chỉnh hạ dự báo GDP toàn cầu thêm 0,8% vào năm 2025 và 1,3% vào năm 2026. IMF cảnh báo các quốc gia không nên theo đuổi chính sách bảo vệ các ngành công nghiệp và người lao động trong nước, cho rằng những chính sách này thường không giúp mức sống cải thiện bền vững.

Trong một cuộc phỏng vấn, nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas cảnh báo tại một số nước, chính sách tiền tệ khả năng sẽ tiếp tục bị thắt chặt mà không cắt giảm lãi suất dù lạm phát hạ nhiệt, gây sức ép đối với tăng trưởng và việc làm.  

Cũng trong báo cáo mới nhất, IMF dự kiến quá trình chuyển sang xe điện trên thế giới sẽ có tác động "sâu rộng" đến đầu tư, sản xuất, thương mại quốc tế và việc làm. IMF lưu ý ngành ô tô toàn cầu vốn trả lương cao, có lợi nhuận tốt, thị trường xuất khẩu rộng lớn và sử dụng công nghệ cao. Việc tăng tốc chuyển sang xe điện sẽ thay đổi bối cảnh đó, đặc biệt nếu Trung Quốc duy trì lợi thế như hiện nay về sản xuất và xuất khẩu so với các đối thủ Mỹ và châu Âu. Theo các kịch bản của ngành xe điện, GDP của châu Âu sẽ giảm khoảng 0,3% trong trung hạn. Việc làm trong ngành ô tô sẽ giảm và lao động sẽ dần được phân bổ lại sang các ngành sử dụng ít vốn hơn.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh lấy công nghệ số làm động lực tăng trưởng mới
TP Hồ Chí Minh lấy công nghệ số làm động lực tăng trưởng mới

Sáng 22/10, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đơn vị tổ chức khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số với chủ đề “Công nghệ số - động lực tăng trưởng mới của Thành phố Hồ Chí Minh” năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN