Hướng đi riêng cho sản phẩm Việt Nam tại Thái Lan

Việc tiếp cận thị trường Thái Lan cần có chiến lược cụ thể, định hướng phát triển sản phẩm hướng đến những thị trường ngách tiềm năng và kế hoạch phân phối, quảng bá sản phẩm cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng.

Chú thích ảnh
Người dân Thái Lan tìm hiểu các mặt hàng của Việt Nam. Ảnh tư liệu: Ngọc Quang/PV TTXVN tại Bangkok

Thị trường Thái Lan là thị trường mở và doanh nghiệp Việt Nam được đón nhận khi giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, do sản phẩm của hai nước khá tương đồng về chủng loại nên việc tiếp cận thị trường cần có chiến lược cụ thể, định hướng phát triển sản phẩm hướng đến những thị trường ngách tiềm năng và kế hoạch phân phối, quảng bá sản phẩm cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thành Huy, Tùy viên Thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bangkok về hoạt động xúc tiến thương mại tại Thái Lan.

Ông Nguyễn Thành Huy cho biết thời gian qua Thương vụ Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan. Thương vụ đã triển khai nhiều chương trình như tổ chức định kỳ sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, tham dự các triển lãm, hội chợ chuyên ngành như ThaiFex, Fruit Logistica, phối hợp với đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương tổ chức nhiều phiên tư vấn trực tuyến về xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam như gạo, trái cây.

Thương vụ cũng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc căn cứ theo những cam kết về thương mại mà cả Việt Nam và Thái Lan tham gia như Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những cơ chế hợp tác thương mại song phương như Ủy ban Hỗn hợp hợp tác thương mại song phương để giải quyết những "điểm nghẽn" giao thương hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng sang Thái Lan; phối hợp giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp thương mại, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xác minh thông tin đối tác, đăng tải thông tin khuyến cáo những vụ việc khả nghi, doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình giao dịch.

Những nỗ lực của Thương vụ Việt Nam đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan trong 3 năm qua tăng xấp xỉ 16%, từ 5,3 tỷ USD của năm 2019 lên 6,15 tỷ USD năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 5,5 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tùy viên Thương mại Nguyễn Thành Huy, những năm gần đây, các sản phẩm của Việt Nam ngày càng được khách hàng tại Thái Lan đón nhận, đặc biệt là nhóm các sản phẩm đặc sản vùng miền như cà phê, trái cây (vải thiều, bưởi, thanh long), sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, tiềm năng thị trường của nhóm các sản phẩm trên chưa được khai thác triệt để do thiếu định hướng phát triển sản phẩm chú trọng yếu tố đột phá, mới mẻ, mang bản sắc riêng.

Vì vậy, dự kiến thời gian tới, Thương vụ sẽ đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm theo phương thức mới mẻ, chủ động và tích cực góp phần mang sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tới gần khách hàng tại Thái Lan. Ông Nguyễn Thành Huy cho biết Thương vụ đang triển khai kế hoạch tận dụng ưu điểm nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội và công nghệ để  phối hợp với các doanh nghiệp bán lẻ uy tín của Thái Lan xây dựng các chương trình, chiến dịch quảng bá sản phẩm Việt Nam; phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức triển lãm, chia sẻ cơ sở dữ liệu giao thương tại các hội chợ, triển lãm chuyên ngành uy tín.

Bên cạnh đó, Thương vụ tiếp tục làm mới những hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hiện có. Dự án khu trưng bày “Window to Vietnam” sẽ tiếp tục được mở rộng, ứng dụng công nghệ trình chiếu trực tuyến và khu trưng bày thực để quảng bá sản phẩm của Việt Nam. Chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan sẽ được đổi mới sau 5 năm tổ chức và phiên bản mới sẽ được ra mắt trong năm nay.

Các chương trình hội thảo, hội chợ, triển lãm và giao thương sẽ chú trọng hơn vào nội dung giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thị hiếu tiêu dùng bản địa, phát triển thương hiệu, kinh nghiệm thâm nhập thị trường ngách hướng đến từng nhóm khách hàng cụ thể để ngày càng có nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” hiện diện tại Thái Lan.

Đỗ Sinh - Huy Tiến (TTXVN)
Khai mạc Chương trình nhận diện hàng Việt Nam năm 2022
Khai mạc Chương trình nhận diện hàng Việt Nam năm 2022

Tối 29/10, Lễ hội “Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt Nam” đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên của Bộ Công Thương nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN