Hợp tác phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp

Liên kết, hợp tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là con đường hữu hiệu nhất để phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh cao và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trên đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị hợp tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lần II - năm 2015, do Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.

Cà chua bi trồng trong nhà màng tại TP Hồ Chí Minh ít sâu bệnh, năng suất đạt 80- 100 tấn/ha nhờ áp dụng công nghệ. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN



Theo ông Đinh Minh Thiện, Trưởng ban Quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã có sự chuyển hướng trong tái cơ cấu ngành, nhưng xu hướng chi phối vẫn là sản lượng cao, tiêu tốn nhiều nguồn lực, chất lượng thấp và giá trị gia tăng thấp. Khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, hầu hết là sản phẩm thô chưa qua chế biến, tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu bị trả về khá cao, sự kết nối theo chuỗi cung ứng còn manh mún và nhiều hạn chế... Ngành nông nghiệp cũng đã có những đột phá mạnh trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, với sự tham gia của ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc làm cấp bách hiện nay là tìm kiếm những giải pháp mang tính lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, đặc biệt là thể hiện được vai trò của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Lâm Đồng là địa phương được xem có mức ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tương đối lớn cũng đang gặp một số khó khăn. Ông Phan Công Du, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt, cho biết: Quá trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng cao ở Lâm Đồng đang chịu tác động lớn bởi đầu ra và giá bán của sản phẩm, thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh chủ yếu là nội địa. Việc ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở các nông hộ còn khá ít, chỉ đạt khoảng 5 - 7%. Nguyên nhân chủ yếu là do nảy sinh nhiều tranh chấp trong việc phân loại đánh giá chất lượng sản phẩm, xác định mức giá cả và chậm thanh toán. Bên cạnh đó, vấn đề tăng năng suất, nâng cao chất lượng cùng với bảo vệ môi trường vẫn là thách thức lớn đặt ra cho ngành nông nghiệp Lâm Đồng trong những năm tới.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập, ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, trước rào cản liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, kỹ thuật... của các thị trường nhập khẩu, đòi hỏi ngành nông nghiệp trong nước phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất và bảo quản phân phối sản phẩm. Tiến sĩ Vũ Văn Khiêm, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, chỉ có ứng dụng khoa học kỹ thuật mạnh mẽ vào sản xuất thì khi hội nhập, ngành nông nghiệp mới không bị các quốc gia có cùng lợi thế lấn át ngay trên sân nhà.

Trong bối cảnh đó, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã đề xuất xây dựng Đề án “Liên kết các khu nông nghiệp công nghệ cao xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng một số loại nông sản chủ lực”. Đề án này tập trung vào các Khu Nông nghiệp công nghệ cao từ Đà Nẵng trở vào được Chính phủ quy hoạch đến năm 2020, bao gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bình Dương, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh và các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các tỉnh, thành khác. Đề án sẽ ưu tiên triển khai cho nhóm sản phẩm rau, hoa, trái cây, nấm và nhóm thủy sản gồm cá, tôm. Việc liên kết này được đánh giá là xu hướng tất yếu, góp phần hạn chế được tình trạng lãng phí nguồn lực trong đầu tư, nghiên cứu khoa học hiện nay.

H.Chung
Khởi công Tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao
Khởi công Tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao

Công ty Vinamilk đã làm lễ động thổ và khởi công Tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, Thanh Hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN