Hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhưng việc thúc đẩy phong trào hợp tác xã phát triển hơn nữa trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội. 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, tổ chức ngày 15/2, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhưng việc thúc đẩy phong trào hợp tác xã phát triển hơn nữa trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Hơn ai hết, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần của Nghị quyết, cũng như vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội.

“Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Số lượng hợp tác xã tăng gấp 2,5 lần

Trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau; trong đó, có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định.

Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng; trong đó, nòng cốt là hợp tác xã là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển mới về chất và lượng, đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai.

Theo đó, việc chuyển đổi, tổ chức lại các hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã cơ bản được hoàn thành, nhiều hợp tác xã được thành lập. Hiện, các hợp tác xã cũ đang hoạt động đã cơ bản chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến cuối năm 2020, chỉ còn 615 hợp tác xã chưa đăng ký và tổ chức lại, chiếm 2,21% tổng số hợp tác xã cả nước.

Bên cạnh việc chuyển đổi, tổ chức lại các hợp tác xã cũ, công tác vận động, hướng dẫn thành lập các hợp tác xã mới cũng có kết quả tốt. Trong 20 năm qua, cả nước đã có 37.810 hợp tác xã mới được thành lập, giải thể 21.390 hợp tác xã. Số hợp tác xã thành lập mới chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các tỉnh Nam bộ, Bắc Trung bộ và một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

Số lượng hợp tác xã tăng, hoạt động đa dạng trên các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đến 31/12/2021, cả nước có 27.342 hợp tác xã, gấp 2,5 lần so với năm 2001; khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết đã có những chuyển biến tích cực, nhưng khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Theo đó, một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ; đó là: tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Liên tục trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đạt thấp, chỉ bằng khoảng ½ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP cả nước giảm liên tục từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020.

“Kết quả phát triển của khu vực kinh tế tập thể so với mục tiêu mà Nghị quyết đề ra là "phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, tiến tới tỷ có trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế", là không đạt được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu lý luận về hợp tác xã chưa có hệ thống, chưa có các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu về hợp tác xã và đánh giá về hiệu quả và đóng góp của kinh tế tập thể trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ.

Hiện nay, mới chỉ tính được phần đóng góp của hợp tác xã trong GDP, chưa tính đóng góp của tổ hợp tác và đóng góp của kinh tế thành viên. Việc thiếu sót trong tính toán về đóng góp trong GDP của kinh tế tập thể đã dẫn đến việc hạ thấp vai trò, vị trí của thành phần kinh tế tập thể trong nền kinh tế của nước ta, chưa bố trí nguồn lực tương xứng để phát triển kinh tế tập thể.

Đáng chú ý, cho đến nay, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể vẫn chưa đạt yêu cầu, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa nắm chắc tình hình phát triển kinh tế tập thể, công tác tham mưu giúp Đảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể còn hạn chế.

Đặc biệt, khung khổ pháp luật, chính sách về hợp tác xã còn nhiều rào cản đối với sự phát triển đối với hợp tác xã, chưa bao quát được sự phát triển sinh động của các loại hình kinh tế hợp tác ở nước ta, chưa làm rõ được sự phát triển từ thấp đến cao của các tổ chức kinh tế hợp tác, chưa khuyến khích mở rộng thu hút thành viên tùy theo nhu cầu vô cùng đa dạng của đối tượng tham gia, chưa xác định được cơ chế quản lý một cách minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong hợp tác xã …

Hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý để phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong thời gian tới, bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho khu vực kinh tế hợp tác xã. Với những tín hiệu mới đang tác động tích cực tới phong trào hợp tác xã, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã, chúng ta có thể tin tưởng phong trào hợp tác xã ở Việt Nam sẽ phát triển vững chắc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện thành công các mục tiêu, một trong những giải pháp Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đó là, Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên cơ sở nhu cầu và tự nguyện của thành viên tham gia. Nhà nước quản lý các tổ chức kinh tế hợp tác thông qua luật pháp và cơ chế, chính sách, không can thiệp trực tiếp vào quá trình hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã theo hướng: mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh bảo đảm bao quát đầy đủ các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đang hoạt động ở nước ta hiện nay; giảm thiểu tối đa thủ tục thành lập, đăng ký.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định về bản chất và nguyên tắc tổ chức, hoạt động; các quy định về phát triển thành viên, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng thu hút vốn; các quy định về tài sản và quỹ không chia; các quy định về tổ chức quản lý, điều hành; đồng thời có các quy định về nâng cao tính minh bạch trong quản trị, điều hành tạo niềm tin cho thành viên khi tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, chúng ta cần nhận thức rõ phát triển kinh tế tập thể là yêu cầu và xu thế tất yếu khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần tiếp tục tăng cường việc vận động, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng nhằm nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể.

Ngoài ra, cần nâng cao tính minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong phạm vi cả nước. Đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế tập thể theo hướng xây dựng bộ máy chuyên trách, tập trung, thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và bố trí nguồn lực tương xứng để phát triển kinh tế tập thể.

Cùng với đó, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng của kinh tế tập thể như: nợ tồn đọng kéo dài trong hợp tác xã; giải quyết rõ ràng, minh bạch các quan hệ về tài sản của hợp tác xã cũ, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai; đồng thời, củng cố và đổi mới các tổ chức kinh tế hợp tác hiện có đồng thời mở rộng và hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác mới.

Về xây dựng các mô hình kinh tế tập thể kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, các địa phương cần xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, dựa trên nhu cầu hợp tác tự nguyện của các thành viên, vì lợi ích của thành viên, hợp tác xã và cộng đồng; chú trọng xây dựng các hợp tác xã kiểu mới ở các vùng có các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản xuất sản phẩm mang tính hàng hóa lớn.

Mặc khác, cần tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể. Theo đó, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế như Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA), các tổ chức đại diện hợp tác xã của các nước để học tập kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường.

“Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần nắm chắc chủ trương và các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể để phối hợp tổ chức vận động và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống…”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Thúy Hiền (TTXVN)
Động lực mới giúp các hợp tác xã chuyển mình
Động lực mới giúp các hợp tác xã chuyển mình

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao, việc phát triển hợp tác xã, làm bàn đạp kinh tế cho người dân nông thôn là tiêu chí luôn được chính quyền địa phương và người dân chú trọng. Bởi xuất phát từ nền tảng kinh tế và thu nhập vững chắc, công cuộc xây dựng nông thôn mới sẽ được thuận lợi hoàn thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN